Tre Việt - Biểu tình tại Hồng Kông, còn gọi là Phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ, diễn ra từ tháng 3-2019, sau đó leo thang vào tháng 6 và tiếp tục cho đến những ngày gần đây. Không thể thống kê bằng tiền những thiệt hại do phong trào này gây ra cho xã hội Hồng Kông, nhưng chỉ cần nhìn vào các chỉ số kinh tế, xã hội đủ thấy điều đó. Ví dụ, từ ngày 02-7-2019 đến 16-8-2019, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã "bay hơi" 622 tỷ USD vốn hóa; ngày 12-8, số chuyến bay của hãng Cathay phải hủy 200 chuyến; giao thông liên tục tê liệt trong suốt thời gian qua; nhiều nhà cửa, tài sản bị đập phá, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm tài sản Hồng Kông đã mất hết lợi nhuận trong 20 năm qua, v.v. Và mới đây, theo một công bố ngày 20-10-2019, Ngành Du lịch Hồng Kông đang chật vật với cảnh sụt giảm du khách đến 40% - hậu quả của nhiều tháng biểu tình bạo lực.
Trước đó, vào năm 2014, ở nước ta, chỉ hơn 10 ngày biểu tình mà đã ảnh hưởng đến 425 doanh nghiệp (chỉ tính riêng của Đài Loan), trong đó, 25 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 150-500 triệu USD, và các thiệt hại kinh tế có liên quan là 1 tỷ đô la (Theo hãng tin Trung ương Đài Loan (CNA)). Theo thống kê trong nước, riêng tỉnh Bình Dương đã phải chi trên 1.000 tỷ đồng chỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp bị đốt phá.
Những ngày gần đây, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung quốc công khai hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông. Hành động ngang ngược của họ đã gây nên sự bất bình trong tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tạo sự quan ngại sâu sắc của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Sự phản đối hành động của Trung quốc đã được Nhà nước và nhân dân Việt Nam thể hiện ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, cũng có nhiều ý kiến quá khích, như: đòi biểu tình; đòi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế; đòi hỏi tội Bộ Ngoại Giao; phê bình thái độ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Quân đội,... đang được các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo để hạ uy tín lãnh đạo, quy kết sự yếu kém của chế độ và kích động biểu tình, bạo loạn.
Yêu nước là rất cần thiết, nhưng ổn định để phát triển kinh tế là quan trọng. Khi kinh tế phát triển, các tiềm lực chính trị, quân sự, văn hóa, tinh thần được nâng lên, kết hợp với khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo ra sức mạnh bảo vệ Tổ quốc vô địch. Do đó, liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo, Đảng ta luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đây cũng là nét nổi bật của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - bài học quý rút ra từ sự động loạn, mọi người cần thấu triệt./.