Mar 12, 2022

Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ

         Tre Việt - Ngày 09/3, trang facebook Việt Tân rêu rao: “Vì tương lai cường thịnh, Việt Nam không chỉ thoát Trung, mà còn phải thoát Nga”. Đây là luận điệu lố bịch, nhằm kích động, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Cần khẳng định rõ: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần giữ vững hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Sẵn sàng thiết lập mối quan hệ hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, với bất cứ ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhất quán với chủ trương, đường lối đó, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước; Đối tác toàn diện với 11 nước, bao gồm cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong mối quan hệ với Trung Quốc và Liên bang Nga, đây mà mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam vừa tăng cường quan hệ, vừa thúc đấy mối quan hệ với Trung Quốc và Liên bang Nga ngày càng phát triển theo hướng thực chất và hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực. Việt Nam và Trung Quốc phát triển quan hệ theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch mậu dịch giữa hai nước tăng lên không ngừng.

Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, truyền thống lâu đời; luôn có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Việt Nam và Liên bang Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược ngày 01/3/2001; ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày 27/7/2012. Liên bang Nga luôn chiếm vị trí quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách của Nga đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó, trải dài hơn bảy thập kỷ, được dày công vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, giúp đỡ nhau chí tình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga đang được phát huy tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt với sự hiểu biết và tình cảm sâu nặng giữa nhân dân hai nước. Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam và Nga vẫn duy trì đà hợp tác tăng trưởng tích cực: năm 2020 kim ngạch đạt 4,85 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2019; trong năm 2021 đạt 2,6 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2020.

Việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quan hệ với các nước lớn, nhất là quan hệ với Trung Quốc và Liên bang Nga là đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán và thực hiện đúng đắn, sáng tạo chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, do vậy vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Việt Nam luôn giữ vững sự độc lập, tự chủ trong các mối quan hệ quốc tế nên Việt Nam không phụ thuộc vào ai, kể cả Trung, Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác. Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại đa phương và rộng mở, không liên minh, liên kết với bất kỳ nước nào, nên không có chuyện phải đặt vấn đề thoát nước này hay thoát nước kia; không thể và không ai có thể yêu cầu Việt Nam phải thoát nước này, thoát nước khác. Tuy nhiên, giữ vững độc lập, tự chủ, thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ thực sự là vấn đề không đơn giản, bởi sự tác động, chi phối của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, sự cản trở, chống phá của các thế lực thù địch, tính chất phức tạp của quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn trong bối cảnh hiện nay.

Độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trước mọi tác động của tình hình, trước những biến động của thời cuộc; đồng thời, khẳng định tính đúng đắn của đối ngoại Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mọi sự xuyên tạc, kích động của Việt Tân và các thế lực phản động, chống đối đều vô ích./.