Mar 14, 2023

Không có cái gọi là “Công đoàn độc lập” tự do vô chính phủ, không tuân thủ pháp luật

        Tre Việt – Ngày 11/3, trang facebook Việt Nam Thời Báo, đăng bài: “Có phải Công đoàn độc lập đã được phép thành lập?”, trong bài viết, tác giả T.K. Trần, cho rằng: “Có một thực tế là tình trạng đời sống công nhân Việt Nam rất tồi tệ... Yêu cầu có một tổ chức để bảo vệ họ là vô cùng khẩn thiết. Người lao động cần có một chọn lựa khác, cần có một tổ chức khác hữu hiệu hơn để bảo vệ lợi ích của họ... Nhà nước Việt Nam có cho phép thành lập “Công đoàn độc lập“ không? Câu trả lời rõ ràng và dứt khoát là KHÔNG... Nhiệm vụ hàng đầu của tất cả mọi người quan tâm tới lợi ích người lao động Việt Nam là phải thúc đẩy mạnh mẽ việc ban hành những quy định cần thiết để những “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở “sớm được thành lập công khai, hợp pháp”.

Đây là mưu đồ rất thâm hiểm nhằm xuyên tạc, hạ thấp vai trò của tổ chức công đoàn các cấp ở nước ta; kêu gọi thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập” vô chính phủ, không tuân thủ pháp luật Việt Nam và nhằm “thay thế” tổ chức Công đoàn ở nước ta, tạo dựng lực lượng chính trị đối lập, nhằm kích động công nhân, người lao động tham gia các cuộc bãi công, đình công, biểu tình trái pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước ta, tiến tới thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Thực hiện các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do, các công ước quốc tế về tiêu chuẩn lao động mà Việt Nam là thành viên và để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đại diện người lao động, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) đã thông qua Bộ Luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021). Bộ Luật Lao động có 01 chương riêng (chương 13) về “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, quy định rõ: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua đối thoại, thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Thành phần, gồm: công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp chỉ có cấp cơ sở - cấp doanh nghiệp, không có hệ thống các cấp như tổ chức công đoàn. Với quy định trên, có thể thấy, tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có sự khác nhau về bản chất và mục đích. Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động… đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

Xuyên xuốt thời gian từ khi thành lập cho đến nay, Công đoàn Việt Nam đã và đang thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn cơ sở đã chủ động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp.

Nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, bên cạnh việc kêu gào, cổ súy cho việc ra đời “nghiệp đoàn độc lập” hoạt động “tự do” ngoài hiến pháp và pháp luật thì các thế lực thù địch, phản động, tiêu biểu là tổ chức khủng bố Việt Tân đã công khai mưu đồ thành lập tổ chức này và vận động tổ chức Công đoàn quốc tế công nhận là thành viên chính thức để công khai tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi, kích động các đối tượng trong nước móc nối, phát triển lực lượng trong công nhân để hình thành các hội, nhóm nghiệp đoàn độc lập trong công nhân nhằm tiến hành hoạt động đình công, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự.

Như vậy, việc đòi thành lập “Công đoàn độc lập” tự do vô chính phủ, không tuân thủ pháp luật là những toan tính chính trị, vỏ bọc để các đối tượng cơ hội, phản động tiến hành các hoạt động xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về phát triển kinh tế, lao động, việc làm tiền lương, chống phá đất nước, v.v. Do vậy, mỗi người cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, nghiêm khắc lên án, phê phán, đấu tranh bác bỏ/.