Apr 27, 2021

Nâng tầm sức mạnh Việt Nam


Tre Việt – Trong bài “CSVN rước và tiếp tay cho giặc cướp biển đảo Việt Nam” đăng trên Facebook Việt Tân ngày 26/4/2021 cho rằng: Trước tình trạng căng thẳng, lộng hành của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã phải mời Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sang Việt Nam; “báo cáo” với ông Hòa về việc Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nhấn mạnh việc coi trọng củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; mong muốn xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy, hợp tác toàn diện với Trung Quốc, … là hành động tiếp tay cho Trung Quốc tiếp tục lấn áp Việt Nam, cúi đầu trước thiên triều, chẳng khác nào bán nước???

Trước hết, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước là: độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế theo phương châm: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bộ Quốc phòng Việt Nam thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Các lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ quốc phòng của Việt Nam là: trao đổi các đoàn quân sự, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hợp tác huấn luyện, đào tạo, giải quyết các vấn đề nhân đạo, v.v. Đến nay, Việt Nam có quan hệ quốc phòng chính thức với 65 nước; đã tiến hành đối thoại quốc phòng - an ninh thường xuyên ở nhiều cấp độ với các quốc gia trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ… Trong đó, ưu tiên hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề quốc phòng - an ninh song phương, như: phân giới, cắm mốc; khai thác biển; bảo vệ chủ quyền biển đảo; chống tội phạm ma túy, buôn người… Qua đó, các bên hiểu rõ quan điểm của nhau, tạo cơ hội giải quyết các vấn đề có liên quan đến lợi ích của các bên; góp phần xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững hoà bình và an ninh khu vực và thế giới. Do đó, ông Hòa sang thăm Việt Nam lần này và dự giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung hằng năm là nằm trong chương trình, kế hoạch ngoại giao, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được ký kết – những hoạt động bình thường mà các bên phải tôn trọng.

Trên cương vị chủ nhà, Bộ trưởng Phan Văn Giang chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công kỳ họp Lưỡng hội và công bố hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, đồng thời thông báo  Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là trách nhiệm đối với khách, là nghi lễ ngoại giao theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới do đại dịch Covid-19, Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu kép; vừa khống chế được dịch, vừa phát triển kinh tế; bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn, an sinh xã hội; tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng,… là những việc tốt đẹp của đất nước, cần tuyên truyền rộng rãi trên thế giới - không phải là “cúi đầu báo cáo”.

Theo tướng Giang, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong lịch sử lãnh đạo đất nước của hai đảng, có một thời gian dài thắm tình hữu nghị giữa ta và bạn - là tài sản quý mà ngày nay, tuy hai bên có còn một số vướng mắc trong vấn đề Biển Đông, nhưng Việt Nam luôn mong muốn phát huy, phát triển, củng cố tình hữu nghị đã từng có để hướng tới những điều tốt đẹp cho nhân dân hai nước. Nếu làm tốt điều đó sẽ được các quốc gia trên thế giới ủng hộ, tạo nên sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, chúng ta thể hiện sự nhất quán trong ngoại giao. Việt Nam tôn trọng bạn, nếu bạn không tôn trọng ta thì cũng không tôn trọng các quốc gia khác; ta tin cậy bạn, nếu bạn không tin cậy ta thì làm sao có được sự tin cậy từ quốc tế,… là những nhắc nhở khéo léo về mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi – không phải là “cúi đầu trước thiên triều”.

Cùng với đó, việc khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là thông điệp ngoại giao cứng rắn của chúng ta trong giải quyết các vướng mắc giữa hai nước. Ngày nay, nhân dân thế giới yêu chuộng  hòa bình; chúng ta khẳng định lòng tin với quốc tế về điều đó sẽ được cả thế giới ủng hộ; nếu bạn không tôn trọng hòa bình, bạn sẽ chống lại cả thế giới,… là những lời nhắc nhở, khẳng định với bạn và thế giới về những việc cần làm trong bối cảnh hiện nay. Qua đó càng nâng tầm sức mạnh, củng cố vị thế Việt Nam, ai dám nói là “cúi đầu, bán nước”./.

Gác lại quá khứ


Tre Việt - Cách đây ít giờ, trang Facebook Việt Tân đăng status “Câu nói của cố Tổng thống Ronald Reagan đã ứng nghiệm” và trích dẫn lời ông ta đã nói: “Chấm dứt chiến tranh không phải chỉ là việc Mỹ rút quân là xong, mà cái giá phải trả cho loại hòa hòa bình, đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau” (!).

Trước hết, cần thấy rằng đây là câu nói hoàn toàn mang tính cá nhân, chủ quan, không mang tính xây dựng của Ronald Reagan - Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981 - 1989), thể hiện sự hằn học với đất nước, nhân dân Việt Nam, mặc dù cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc. Câu nói này đã đi ngược lại xu thế chung của nhân loại tiến bộ, chính vì thế sẽ không có được sự đồng tình của dư luận trên toàn thế giới.

Còn với đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam luôn đề cao tinh thần: “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Trong suốt thời gian dài, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh, như: vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), chất độc hóa học,… để đến hôm nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cùng nhau xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, cùng có lợi, cùng phát triển.

Thật tiếc rằng, ông Ronald Reagan không còn sống đến hôm nay để tận mắt chứng kiến đất nước Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có những bước phát triển toàn diện, vượt bậc sau 46 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước. Các thế hệ người Việt Nam sinh ra sau năm 1975 đến nay đều đã trưởng thành, phát triển toàn diện, đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là thực tế không ai có thể phủ nhận. Họ không hề “tăm tối” như ông ta đã nói và không hề “ứng nghiệm” như Việt Tân nhận định.

Sự thật đã quá rõ ràng và được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày 30/4 - ngày mà những người có thâm thù với chế độ, nhân dân Việt Nam đang sống lưu vong ở nước ngoài gọi là “ngày Quốc hận”, lại tìm cách này hay cách khác khơi lại lịch sử, xuyên tạc ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những luận điệu đã cũ, nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng rốt cuộc họ chỉ tốn công, vô ích mà thôi./.