Jun 21, 2015

SỰ NGỤY BIỆN CỦA TƯƠNG LAI

TRE VIỆT - Ngày 15-6-2015, trên trang boxit Việt Nam, Tương Lai có bài: “Góp ý kiến vào quá trình tiến đến Đại hội lần thứ XII của Đảng”. Trong bài viết ông ta nói rằng, “sẽ tập trung trình bày mấy vấn đề sau đây: Từ bỏ mô hình đã lựa chọn sai, mô hình Xã hội chủ nghĩa. Từ bỏ cái gọi là “Chủ nghĩa Mác –Lê-nin”. Trung thực và nghiêm túc thực hiện “Điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bài viết này, chỉ đề cập đến vấn đề thứ nhất mà ông góp ý: từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội để thấy sự ngụy biện của ông ta.
          Tương Lai cho rằng, “Hiện nay, loài người không còn chủ nghĩa tư bản nguyên nghĩa nữa, mà cũng chưa từng có chủ nghĩa xã hội đích thực. Hai thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội”, thì một không còn phản ánh một thực tế nào nữa, và một thì chưa hề phản ánh một thực tế nào cả. Cái thứ nhất là “chủ nghĩa tư bản”, cái thứ hai là “chủ nghĩa xã hội”. Cũng có nghĩa là mục tiêu mà chúng ta, nói đúng hơn là Đảng áp đặt cho cả dân tộc ta, cho toàn xã hội phải hướng tới một mục tiêu mù mờ để ra sức xây dựng”. Tương lai đã đúng khi cho rằng, chủ nghĩa tư bản không còn nguyên nghĩa nữa. Nhưng xin lưu ý ông, những dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi. Đó là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất. Đã từ lâu, giai cấp tư sản thực hiện bán cổ phần cho giai cấp công nhân, nhưng ông chủ tư sản vẫn chiếm số lượng cổ phiếu áp đảo. Nói cách khác, cơ sở sản xuất vẫn do ông chủ nắm giữ và chính ông ta có quyền quyết định mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy là, vai trò, vị trí của chủ - thợ cũng rất rõ ràng, không có gì khác trước cả.
Các nước tư bản còn khả năng phát triển, vì sự phát triển của nó chưa tới giới hạn, nên trong quá trình phát triển điều tất yếu là phải quan tâm đến an sinh xã hội. Mặc dù vậy, bần cùng hóa tương đối và bần cùng hóa tuyệt đối mà C. Mác đã chỉ ra đến nay xã hội tư bản vẫn không có gì thay đổi. Cho nên, mặc dù, chủ nghĩa tư bản không còn nguyên nghĩa, nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn là chính nó. Bởi cái mà chủ nghĩa này thay đổi chỉ là sự thay đổi những cái không thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản mà thôi.
          Về chủ nghĩa xã hội, đúng là chưa có trong thực tiễn. Xin lưu ý ông rằng, chưa có chứ không phải không có. Nhưng thực tiễn đã chứng tỏ rằng, chưa có mà không dám dấn thân thì không bao giờ tìm ra chân lý. Lịch sử nước ta cho thấy, phong kiến phương Bắc đô hộ dân tộc Việt Nam cả nghìn năm. Nghìn năm so với một đời người thì quá dài và đời người quá ngắn ngủi. Nếu cứ suy nghĩ như Tương Lai: cả nghìn năm dân tộc ta đã chịu cảnh đô hộ của phong kiến phương Bắc như thế rồi, thì phải chấp nhận thôi. Và như vậy, không có cuộc cách mạng nào đánh đổ phong kiến phương Bắc để giành độc lập dân tộc chứ gì? Nhưng không. Dân tộc ta không phải ai cũng suy nghĩ như ông. Những người con yêu nước Việt Nam với ý thức tự tôn dân tộc, nên dù phong kiến phương Bắc có đô hộ cả nghìn năm, vẫn có những người đứng lên tạo dựng ngọn cờ tập hợp nhân dân vùng lên quyết đánh đổ phong kiến phương Bắc, dân tộc ta mới được độc lập như ngày nay đấy ông ạ. Lịch sử hiện đại của dân tộc ta cũng cho thấy, dù thực dân Pháp đô hộ gần thế kỷ, nhưng không chịu khuất phục, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã đứng lên đánh đổ thực dân giành độc lập dân tộc. Nếu cứ lối suy nghĩ của ông: gần thế kỷ có làm gì được thực dân Pháp đâu, thôi thì cam chịu kiếp ngựa trâu chứ gì? Trong khoa học cũng vậy, nếu tìm chân lý mà không dám dấn thân, chỉ dám đi theo con đường mà người khác đã đi thì làm gì có sự phát triển, làm gì tìm ra được chân lý mới. Thực tế cho thấy, trong khi cả giáo hội, thế giới quan niệm: trái đất đứng im, chỉ có một nhà khoa học với niềm tin khoa học của mình quả quyết rằng: trái đất không đứng im mà nó tự quay quanh mặt trời, dù có phải trả giá bằng tính mạng, nhà khoa học đó vẫn khẳng định và điều đó về sau được khoa học chứng minh nhà khoa học này đã đúng. Như vậy, thực tiễn chứng tỏ, chân lý không phải thuộc về số đông. Cho nên, ngày nay, mặc dù các nước kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa không nhiều, nhưng không không vì thế mà cho rằng, các nước lựa chọn con đường phát triển chủ nghĩa xã hội là sai lầm. Thế thì làm sao phải từ bỏ con đường phát triển chủ nghĩa xã hội hả Tương Lai?
          Ông nói đưa dân tộc đi theo chủ nghĩa xã hội là “sự mù mờ” (!), lại chứng tỏ ông chưa nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh đã xác định rõ các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Ông hãy tìm nghiên cứu! Ở đó, cho thấy, những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà dân tộc ta đang xây dựng. Tất nhiên, xã hội đó do chưa có trong lịch sử, nên trong quá trình xây dựng, phải vừa thiết kế, vừa thi công để làm sao xã hội đó khắc phục được những khuyết tật của các chế độ xã hội trước, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc nhất cho nhân dân; đồng thời, bảo vệ được độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, v.v. Vì thế, nó đòi hỏi phải có thời gian dài, rất dài. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: không biết đến thế kỷ XXI đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưa cũng vì thế! Xin lưu ý là chủ nghĩa xã hội hoàn thiện, nói cách khác chủ nghĩa xã hội đích thực, còn hiện nay chúng ta xây dựng xã hội hướng tới chủ nghĩa xã hội, nên có mặt đạt được, có mặt chưa đạt được cần tiếp tục xây dựng, mặt đạt được cũng cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao. Điều đó chứng tỏ việc xây dựng xã hội mới đòi hỏi quá trình gian khổ và lâu dài, nhất là xã hội ấy chưa có trong lịch sử, nhưng là người cách mạng phải có niềm tin cách mạng ông ạ. Tương Lai về già xem ra lập trường thiếu sự kiên định, niềm tin cách mạng không biết đánh mất từ bao giờ? Để ông ta luôn luôn có những phát biểu, ý kiến không đồng thuận với đường lối của Đảng như thế. Nên có người gọi ông là người đi ngược quả không sai!

TỘI THAM NHŨNG KHÔNG CÓ ÁN TỬ HÌNH KHÁC GÌ KHUYẾN KHÍCH VƠ VÉT CỦA CÔNG

Bạn đoc Mộng Tưởng có bài viết sau gửi đến Tre Việt, xin giới thiệu cùng bạn đọc

TỘI THAM NHŨNG KHÔNG CÓ ÁN TỬ HÌNH
KHÁC GÌ KHUYẾN KHÍCH VƠ VÉT CỦA CÔNG
                                                                               

          Nhìn chung, dư luận xã hội hiện nay là muốn các cơ quan công quyền cần mạnh tay hơn nữa trước tình trạng nạn tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Từ thực tiễn cuộc sống, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: tại sao nạn tham nhũng càng chống càng nở rộ như nấm sau mưa; tỷ lệ xét xử án tham nhũng chiếm quá ít trong tổng số vụ việc tham nhũng được phát hiện; tình trạng “giơ cao đánh khẽ” trong xử lý tội tham nhũng khá phổ biến…do vậy, chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con” đã, đang và sẽ tiếp tục củng cố quan niệm sống hết sức thực dụng của những đối tượng có điều kiện tham nhũng.
          Tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay đã thật sự trở thành quốc nạn, gây bức xúc đặc biệt trong tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên và toàn dân. Quần chúng nêu thắc mắc là: Với hệ thống lãnh đạo chặt chẽ của Đảng từ Trung ương xuống cơ sở, với bộ máy Nhà nước đồ sộ như hiện nay và hệ thống các cơ quan hành pháp, tư pháp đầy đủ ở các cấp, tại sao không “giết” được nạn tham nhũng? mà ngược lại, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang đành phải chấp nhận “sống chung” với nạn tham nhũng. Thật là trớ trêu!.
          Có phải niềm tin của nhân dân vào khả năng phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang “bị treo”. Nhiều con đường được đầu tư ngân sách cả ngàn, chục ngàn tỷ đồng mới đưa vào sử dụng  đã lún, nứt; cầu mới khánh thành dân chưa kịp mừng đã sập; cầu treo vừa xây dựng hoặc tu bổ đã đứt cáp gây thương vong cho dân; nhiều tượng đài, công trình công cộng đã bị sự cố “cháy nhà ra mặt chuột”…chắc chắn từ tham nhũng mà ra. Khi bàn đến vấn đề phòng, chống tham nhũng để chuẩn bị tham gia ý kiến vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), một vị đại biểu đã phát biểu thẳng thắn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với đại ý là “…mới làm cán bộ mấy năm mà gia tài đã có đến hàng tỷ, hàng trăm tỷ, nếu không tham nhũng thì lấy đâu ra…”, đây là cách lập luận có cơ sở khoa học và thực tiễn rất đáng hoan nghênh.
          Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo có tính giáo dục cho cán bộ, đảng viên bằng bài viết mang tiêu đề ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG đăng trên báo Nhân Dân số 460, ra ngày 06/6/1955 có đoạn: “Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó, mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, trưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
          Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”(*)
          Ngày nay, khi công cuộc đổi mới đất nước đang tiếp tục tiến xa hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thì tội phạm tham nhũng càng có thêm điều kiện thuận lợi để hoành hành, bằng các thủ đoạn mới nham hiểm hơn, khó lường hơn, đáng chú ý là sự thao túng nền kinh tế đất nước của các phần tử thuộc “lợi ích nhóm” mà báo giới và nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phân tích sự tác hại ghê gớm của nó.
          Quay lại vấn đề bỏ hay không án tử hình đối với tội phạm tham nhũng. Điều này đã và đang được các nhà nghiên cứu luật pháp, các chuyên gia kinh tế và đặc biệt là nhiều đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm bàn luận, và dường như việc giữ nguyên án tử hình đối với tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự hiện hành đang chiếm xu thế lớn. Người viết bài này thử đặt giả thiết là không còn áp dụng án tử hình đối với tội phạm tham nhũng nữa (tức là chỉ còn án chung thân hoặc có thời hạn), thì quan niệm sống theo kiểu “hy sinh đời bố, củng cố đời con” được những người còn điều kiện tham nhũng “tận dụng triệt để” hơn bao giờ hết, và chắc chắn người bị thiệt hại trước hết và trên hết vẫn là dân. Qua thực tế cho thấy, có rất nhiều tội phạm được ban quản lý các trại giam đánh giá, nào là“gương mẫu” chấp hành án theo đúng quy định của pháp luật, nào là luôn chịu khó “rèn luyện” sửa chữa lỗi lầm trong thời gian thụ án…nói chung là cải tạo tốt, để rồi qua chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, họ sẽ được xem xét giảm án từ tù chung thân chuyển thành án tù có thời hạn, từ án tù dài hạn chuyển thành án tù ngắn hạn và cuối cùng thì ra tù một cách “ngoạn mục”, sống phè phỡn sung túc trong cộng đồng như thể trêu ngươi (?!). Như vậy, đối với tội phạm tham nhũng mà không có án tử hình, khác gì “khuyến khích” cho các hành vi vơ vét của công?. Rất mong có sự trao đổi nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng, phân tích thấu đáo về vấn đề này trước khi quyết định của cấp có thẩm quyền.
                                                ________________
(*)Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 568 – 569.