May 14, 2024

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc Quy định 142 của Bộ Chính trị

           Tre Việt – Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142), các thế lực thù địch, phản động, chống đối đã phát tán nhiều tài liệu để xuyên tạc, cho rằng Quy định trên là “không hợp lý”.

Cần khẳng định: xuất phát từ thực tiễn, Quy định số 142 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ ra đời trong bối cảnh nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng vì chịu trách nhiệm khi để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm, làm sai, làm trái pháp luật, tham nhũng,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và của cá nhân, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142, với thời gian thực hiện thí điểm này là 05 năm kể từ khi ban hành được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Quy định số 142 đã cụ thể phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của đơn vị mình; bầu bổ sung ủy viên Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. Người đứng đầu được quyền giới thiệu 01 nhân sự trong quy hoạch tại chỗ, hoặc 01 nhân sự từ nguồn ở nơi khác cho 01 chức danh để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét đưa vào danh sách, tiến hành quy trình công tác cán bộ để hoàn thiện ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị mà mình được giao phụ trách. Có thể thấy, Quy định số 142 đã tăng quyền cho người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp phó trực tiếp của mình. Đồng thời, cũng quy trách nhiệm đích danh người giới thiệu. Cụ thể, tại Điều 6, xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, Quy định này nhấn mạnh: người đứng đầu bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp sau: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định. Việc xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp vi phạm quy định này được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và các quy định có liên quan.

Đây là một bước đột phá của Đảng khi đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp dưới của mình, chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự. Quy định mới tạo ra sự minh bạch, công tâm hơn trong công tác tổ chức cán bộ; đồng thời, kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Vì vậy, các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc  để Quy định này sớm đi vào thực tiễn cuộc sống./.

 

May 12, 2024

“Trò lố” của hai dân biểu Hoa Kỳ

           Tre Việt - Ngày 11/5, trang facebook Đài RFA đăng bài: “Hai Dân biểu Hoa Kỳ ra nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền của Việt Nam”. Theo bài viết, hai Dân biểu Hoa Kỳ đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam tại Quốc hội Mỹ - bà Michelle Steel và ông Lou Correa vào ngày 10/5 ra nghị quyết “Lên án Đảng Cộng sản Việt Nam bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo và những tiếng nói đối lập ở Việt Nam”. Trong đó, đưa ra danh sách 31 người mà họ cho là tù nhân lương tâm, như: Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Vũ Bình,... Đồng thời, lên án Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền, v.v.

Cần khẳng định ngay rằng: những nội dung của nghị quyết của hai Dân biểu nói trên là trò lố bịch, hoàn toàn phi lý, thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam. Bởi vì:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng, bảo đảm thực thi các quyền con người trong Hiến pháp, pháp luật và trên thực tế đời sống xã hội. Ngay sau khi giành được chính quyền, thành lập ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng, Nhà nước luôn đặt quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân lên hàng đầu. Vấn đề này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ trong bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 02/9/1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó, quyền con người được quy định rõ trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành. Tại Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Ở Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật,...”. Trong các văn kiện lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đều xác định rõ nội dung, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo bảo đảm quyền con người. Trong Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) “Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng”, đã xác định những nội dung cốt lõi nhất về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”, v.v.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng về quyền con người, như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa (ký ngày 24/9/1982); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (ký ngày 18/12/1982); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ký ngày 19/3/1982); Công ước về quyền trẻ em (ký ngày 20/02/1990),… và những công ước này đều đã được luật hóa trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Trên thực tế, mọi công dân Việt Nam được đảm bảo về nhân quyền, như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại,… không những được thể hiện qua bức tranh sinh động đang hiện hữu trong đời sống xã hội mà còn được cộng đồng quốc tế, các tổ chức của Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao. Phát biểu tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 07/5 vừa qua, bà Kelly Billingsley, Phó đại diện thường trú tại Liên hợp quốc của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người,...” đã minh chứng cho những thành tựu trong bảo đảm nhân quyền của Việt Nam.

Thứ hai, ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật và bị các cơ quan chức năng truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Những đối tượng nằm trong danh sách được nghị quyết nêu ra đều có những hành vi vi phạm pháp luật và bị các cơ quan thực thi pháp luật xét xử khách quan với đầy đủ bằng chứng, đúng người, đúng tội. Đơn cử như: Trương Duy Nhất phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015 hay Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Vũ Bình đã phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, Bộ Luật Hình sự 2015, v.v. Chính vì thế, cái gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự bịa đặt, suy diễn sai lệch công tác pháp lý, cố tình vu cáo Việt Nam mà thôi. Bởi lẽ, khi có hành vi phạm tội, đối tượng phải chịu sự điều tra, truy tố, xét xử công khai, bị tuyên án và phải chịu hình phạt theo quyết định của tòa án là hoàn toàn bình thường, không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ làm vậy.

Thứ ba, việc Việt Nam được giới thiệu và bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 là hoàn toàn xứng đáng, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế. Xuất phát từ những thành tựu, tiến bộ trong bảo đảm nhân quyền, quyền con người mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhất quán, kiên trì thực hiện trong suốt những năm qua nên đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tín cử là đại diện cho Khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và trúng cử với tín nhiệm cao. Và trên thực tế, Việt Nam đã, đang phát huy tốt vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 khi tích cực tham gia và chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người…; có nhiều đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Liên hợp quốc. Nổi bật là, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò của mình trong lĩnh vực quyền con người trên phạm vi toàn cầu khi hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất diễn ra vào tháng 02/2023; Việt Nam đã đề xuất và soạn thảo để Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) (ngày 03/4/2023), v.v.

Hơn nữa, thông thường nghị quyết phải do một tập thể cơ quan, tổ chức thảo luận, nhất trí ban hành. Đằng này, lại do 02 cá nhân đơn lẻ là dân biểu tự đưa ra cái gọi là “nghị quyết” thì đúng là phi lý, “dân chủ” kiểu Mỹ. Và, thử hỏi, với tư cách gì mà bà Michelle Steel và ông Lou Correa lại còn đòi lên án Đại hội đồng Liên hợp quốc? Thật nực cười cho cái “trò lố” của hai vị./.

 

 

May 8, 2024

Trò “lừa bịp” quen thuộc của Việt Tân

          Tre Việt - Ngày 07/5, trang facebook Việt Tân đăng bài “Hoạt Động của Việt Tân tại UPR”, lợi dụng Đoàn đại biểu Việt Nam đang tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để “sử dụng UPR là cơ hội để phản ánh tình trạng chà đạp tự do và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nhấn mạnh việc không tuân thủ các công ước quốc tế đã ký, đặc biệt là khi Việt Nam muốn tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền”.

Cần khẳng định, đây là chiêu trò quen thuộc của Việt Tân để chống phá, xuyên tạc thành tựu thúc đẩy, bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua, nhất là trước mỗi kỳ Việt Nam bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR).

Như đã  biết, ngày 07/5/2024 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, (Thụy Sỹ), Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ lòng tự hào của Đoàn Việt Nam khi đối thoại với các nước đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chính tại Trụ sở Liên hợp quốc, nơi chứng kiến quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, những sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới.

Khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III (vào năm 2019), Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế. Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện. Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.

Tại Phiên đối thoại, Việt Nam nhận được khoảng 300 khuyến nghị với nội dung đa dạng, đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền con người. Đoàn Việt Nam cũng đã trả lời nhiều câu hỏi, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề được các nước quan tâm; trong đó, có nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, bao trùm, phát triển của internet và mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền của người lao động, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do học thuật, gia nhập và thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); phòng, chống mua bán người, thực hiện Công ước chống tra tấn, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, v.v. Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, Đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt. Đồng thời, nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng. Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản.

Phiên rà soát UPR về Việt Nam được các nước quan tâm cao với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Một số nước chúc mừng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số. Khẳng định những ưu tiên của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới; trong đó, có xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thúc đẩy đối thoại tích cực và hợp tác về quyền con người, tăng cường giáo dục về quyền con người, v.v.

Như vậy, từ kết quả Phiên đối thoại, cùng những thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vì lẽ đó, luận điệu và hành động quen thuộc của Việt Tân nhằm xuyên tạc, chống phá đất nước, bôi nhọ, hạ thấp thành tựu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam chẳng lừa bịp, kích động được ai./.

 

 

May 5, 2024

Thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam bác bỏ mọi xuyên tạc

          Tre Việt - Ngày 04/5, trang facebook Chân Trời Mới Media đăng status có nội dung: “Việt Nam được xếp thứ 174/180 nước về tự do báo chí. Chứng tỏ người dân Việt Nam luôn nhận được những thông tin không trung thực”. Vậy thực hư  nội dung trên ra sao? Tre Việt sẽ làm rõ.

Trước hết, thông tin cho rằng Việt Nam xếp thứ 174/180 nước về tự do báo chí là không khách quan, không đáng tin cậy. Bởi vì, thông tin này là do tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa công bố nhân ngày Tự do Báo chí thế giới 03/5. Trong khi đó, RSF là tổ chức phi chính phủ, hoạt động dưới sự tài trợ, hà hơi tiếp sức của một số chính phủ các nước phương Tây. Do đó, trong xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường phải tuân theo sự sắp đặt có chủ ý từ các chính phủ quốc gia tài trợ. Bên cạnh đó, những tiêu chí mà RSF sử dụng để đánh giá tự do báo chí của một quốc gia thì thiếu tính bao trùm, không xem xét đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức,... của từng quốc gia riêng biệt. Phần lớn thông tin họ đưa ra không đảm bảo khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực tế nên đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc suy diễn, phóng đại. Đối với Việt Nam, RSF thường chỉ dựa vào những thông tin do một số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị và vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp để xếp loại tự do báo chí nên thông tin luôn không khách quan, phản ảnh không đúng thực tế tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, ban hành và ngày càng hoàn thiện, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho người dân. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trên cơ sở đó, Luật Báo chí năm 2016 đã cụ thể hóa quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tại Điều 10 đã giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: Sáng tạo tác phẩm báo chí; Cung cấp thông tin cho báo chí; Phản hồi thông tin trên báo chí; Tiếp cận thông tin báo chí; Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; In, phát hành báo in. Tại Điều 11 cũng quy định cụ thể quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Còn tại khoản 1, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng đã khẳng định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin”, v.v. Như vậy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của quyền con người, của mọi công dân luôn được Nhà nước Việt Nam bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và luật pháp, thông lệ quốc tế.

Thứ ba, thực tiễn hoạt động báo chí và đời sống xã hội là bức tranh sinh động về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có khoảng hơn 41.000 người đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gần 780 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh - truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình, tập trung thông tin, tuyên truyền, phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng, Nhà nước, đời sống xã hội. Có gần 40 hãng truyền thông quốc tế lớn có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga),... được hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 68,7% dân số sử dụng. Thông qua các trang mạng xã hội: Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram..., người dân Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, video clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, người dân được đóng góp, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tham gia giám sát, phản biện xã hội thông qua hệ thống cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, v.v.

Thứ tư, cần khẳng định rõ: ở Việt Nam không có bất kỳ công dân nào bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tung tin giả, thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu cáo hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận,... thì rõ ràng đây là những hành động vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật là tất yếu. Việc này không chỉ riêng Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào cũng làm thế.

Như vậy, nội dung trang facebook Chân Trời Mới Media đăng tải và việc xếp hạng thông tin tự do báo chí mà RSF công bố là phi lý, không khách quan, không đáng tin cậy, xuyên tạc tình hình thực tế tại Việt Nam cần đấu tranh, lên án./.

 

May 4, 2024

Luận điệu xuyên tạc trắng trợn của RST

         Tre Việt - Cách đây ít giờ đồng hồ, trang facebook VOA Tiếng Việt đăng tin: “Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở ở Paris (Cộng hòa Pháp), đã xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí do “cầm tù nhà báo có hệ thống”, khiến nước này nằm trong nhóm nước có nền báo chí “tồi tệ” nhất thế giới”! Đây là luận điệu xuyên tạc trắng trợn của RSF về tình hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là quyền tự do có giới hạn. Việc giới hạn quyền tự do đó được quy định theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm”, hoặc xung đột với các quyền khác. Những quy định hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với một số trường hợp là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Và, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tại Chương II, Luật Báo chí (năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; đồng thời, cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”.

Không chỉ bảo đảm về phương diện pháp lý mà trong thực tiễn, tự do báo chí ở Việt Nam cũng được biểu hiện sinh động. Nền báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, quy mô, công nghệ làm báo. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 808 cơ quan báo chí (trong đó: 138 báo, 670 tạp chí) và 42.400 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gấp khoảng 6 lần so với thập niên 2000. Ngoài ra, không thể không kể đến mạng xã hội đã tham gia mạnh mẽ vào môi trường truyền thông trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, công dân không bị ngăn cấm tham gia mạng xã hội. Quyền phát ngôn, tham gia ý kiến, thảo luận về mọi vấn đề xã hội được mở rộng trên các phương tiện truyền thông mới này. Báo chí cùng với mạng xã hội đã trở thành một diễn đàn lớn, nơi mà mọi người dân đều có tiếng nói, mọi vấn đề quốc kế dân sinh được trao đổi, thảo luận, đó là những biểu hiện rất rõ ràng của tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Như vậy, cả trên phương diện pháp lý và trong thực tiễn, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đều được thể hiện rõ ràng, luôn gắn với quy định pháp luật, luôn hướng tới mục đích phụng sự nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam không phải là ngôn luận tự do, báo chí tự do theo ý chí cá nhân, vô chính phủ, mà là vì những mục tiêu tốt đẹp, vì trách nhiệm chân chính với cộng đồng, vì một thể chế chính trị - xã hội của dân, do dân, vì dân.

Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế tài nghiêm khắc. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp (năm 2013) xác định rõ: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc RSF nhiều năm gần đây xếp Việt Nam ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí của 180 quốc gia, với những lý do chủ yếu là “cầm tù nhà báo có hệ thống”. Đây là sự vu khống trắng trợn của RSF. Bởi, sự thật là: các đối tượng bị bắt giữ, phạt tù đều có hành vi lợi dụng các quyền “tự do”, “dân chủ” để đưa tin sai sự thật, tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Vì thế, cái gọi là xếp hạng tự do báo chí của RSF không có giá trị và chẳng lừa bịp được ai./.

 

May 2, 2024

Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

         Tre Việt - Những ngày này, quân và dân cả nước đang từng bừng tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Đây là một trong những Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, như một Chi Lăng, Bạch Đằng hay Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi nhất, phá vỡ thành trì của chủ nghĩa thực dân và đế quốc; một chiến thắng vẻ vang của dân tộc và thời đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một số trang báo, trang mạng phản động, các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc, bóp méo, rằng: “chiến thắng Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là chiêu trò bóp méo sự thật lịch sử, bởi:

Thứ nhất, để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặc biệt quan trọng. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 11/5/1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thư gửi các cấp ủy và tất cả các đồng chí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó nêu rõ những nhân tố dẫn đến thắng lợi; trước hết là “có sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch; Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ huy kiên quyết vững vàng và chính xác”[1]. Còn theo Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, qua chín năm kháng chiến, nhân dân ta đã làm nên trận Đại thắng Điện Biên Phủ giải phóng nửa nước, tạo điều kiện để 21 năm kháng chiến tiếp theo, làm nên trận toàn thắng mùa xuân 1975, giải phóng nửa nước còn lại, đưa giang sơn về một mối”[2]. Thực tiễn đó có thể khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định. Đâu đó có những luận điệu cho rằng thắng lợi Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên tạc, là phủ nhận lịch sử, cần phải kiên quyết bác bỏ!

Thứ hai, sức mạnh nội sinh của cả dân tộc. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài, nhân dân Việt Nam không thể làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là sự phủ nhận trắng trợn lịch sử. Thực tế, sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế là quan trọng, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi kết hợp với sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Điều đó được minh chứng bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, sức mạnh của thế trận lòng dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “tự lực cánh sinh”, “dựa vào sức mình là chính”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã xây dựng tiềm lực đất nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn chú trọng tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, kể cả nhân dân Pháp, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam đã kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; trong đó, sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam là quan trọng nhất.

Thứ ba, bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Ban đầu Trung ương và Tổng Quân ủy xác định phương châm tác chiến của chiến dịch là “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Phương châm đó có lợi là cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít tiêu hao, mệt mỏi, việc bảo đảm hậu cần chiến dịch bớt khó khăn trở ngại. Đầu tháng 01/1954, khi tiễn đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền chỉ huy chiến trường cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy, phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là quá mạo hiểm. Để bảo đảm thắng lợi: một mặt, Đại tướng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc; mặt khác, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước tính mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định đó đã nhận được sự đồng tình của đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc: “Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn”[3]. Chính nhờ thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Pháp De Castries khẳng định: “Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông… Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”[4].

Chúng ta không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc, qua đó góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng sức mạnh nội sinh của dân tộc là quan trọng nhất. Chính do nội lực được tăng cường, chúng ta có điều kiện tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ và sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ đó trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, phản động cho rằng, “nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài, nhân dân Việt Nam không thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” là hoàn toàn không chính xác, là không thừa nhận chiến thắng của nhân dân Việt Nam phải đổ biết bao mồ hôi, công sức mới giành được. Những luận điệu lạc lõng đó cần phải đấu tranh, bác bỏ để Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi âm vang, là động lực và tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

 



[1] - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 97.

[2] - 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, H. 2004, tr.16.

[3] - Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 647.

[4] - Peter Mcdonald - Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb QĐND, H. 2004, tr.376.

Apr 25, 2024

Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024

         Tre Việt - Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua. Đây là văn bản luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; tác động sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trước khi xem xét quyết định, Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trách nhiệm, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được thảo luận, cho ý kiến tại bốn kỳ họp Quốc hội, hai Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáu phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua, mượn cớ “quan tâm”, “phản biện” những kẻ cơ hội chính trị và bọn phản động, thù địch đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân ta. Chúng xuyên tạc rằng: “Chính sách đất đai hiện nay đang vừa là cái bẫy vừa là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu kiện và tham nhũng nhất…”, “Để mặc sức cho các bộ ngành đem bán”, v.v.

Cần khẳng định rõ: đây là những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ hòng gây ra nhận thức lệch lạc trong xã hội, kích động những người kém hiểu biết, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị hùa theo chống phá Đảng và Nhà nước, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.

Chúng ta đều biết Hiến pháp 2013, tại Điều 53 xác định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tại Điều 54 xác định: Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất… Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất… vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Việc thu hồi đất được thực hiện công khai, minh bạch, được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, khi thực thi trong thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với sự phát triển của tình hình. Vì vậy, việc Quốc hội khóa XV ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 và được thực thi sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay, đáp ứng kịp thời với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, cụ thể: Một là, mở rộng hạn mức nhận, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất và các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Hai là, quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ giám sát. Ba là, bỏ khung giá đất. Bảng giá đất được xây dựng hằng năm, giúp cho bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường. Bốn là, bổ sung quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. Yêu cầu phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật. Năm là, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu. Sáu là, quy định thông thoáng việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội. Bảy là, cho phép người sử dụng đất lựa chọn trả tiền thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần. Tám là, Quốc hội cho phép áp dụng ngay một số quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 để tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn, cho phép áp dụng ngay các quy định về định giá đất, tạo điều kiện cho Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định quy định về giá đất thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024.

Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 được triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn sẽ đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Việt Nam cần tích cực nghiên cứu, nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024. Đồng thời, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với  Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024./.

 

Apr 24, 2024

Lại một “Báo cáo” không khách quan của Bộ Ngoại giao Mỹ

          Tre Việt – Ngày 22/4, trang facebook Đài VOA đăng bài “Bộ Ngoại giao Mỹ: Việt Nam đàn áp nhân quyền xuyên quốc gia”. Theo bài viết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo nhân quyền 2023; trong đó, cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền. Đồng thời, nhấn mạnh vụ bắt Đường Văn Thái là một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia”. Vậy thông tin trên có đúng hay không? Hãy cùng Tre Việt làm rõ.

Thứ nhất, Báo cáo nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền là không chính xác và không khách quan. Bởi vì, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán bảo đảm việc thực thi các quyền con người. Cùng với việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Việt Nam còn luôn nỗ lực xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp, hệ thống pháp luật để bảo đảm thực thi tốt nhất các quyền con người, như: quyền được bảo vệ tính mạng, tài sản; quyền tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, v.v. Trên thực tế, bức tranh về dân chủ, nhân quyền của Việt Nam nổi lên là một điểm sáng với nhiều thành tựu không thể phủ nhận. Theo Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa được công bố thì từ năm 2009 đến nay, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 92% vào năm 2022. Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở Việt Nam đã đạt 98,3%, tăng gần một điểm % so với năm 2018. Các phương tiện truyền thông, báo chí và internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Hiện nay, Việt Nam là nước có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38% so với năm 2019. Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực rà soát toàn diện việc thực hiện những khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ III. Cụ thể, trong số 241 khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III, đến nay Việt Nam đã hoàn thành, thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%); thực hiện một phần là 30 khuyến nghị (chiếm 12,4%) và còn 02  khuyến nghị đang xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Thứ hai, Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh việc bắt Đường Văn Thái là một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” là sự suy diễn tùy tiện, không có cơ sở, không khách quan. Bởi, thực chất Đường Văn Thái đã có nhiều hành động, việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Các cơ quan thực thi pháp luật có đủ bằng chứng, vật chứng về việc Đường Văn Thái thường xuyên sử dụng mạng xã hội có tên gọi Thái Văn Đường để đưa ra những luận điệu, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tin đồn thất thiệt với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, y còn tham gia nhiều tổ chức hội nhóm bất hợp pháp, như: Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ,... và tiến hành nhiều hoạt động chống Nhà nước. Thái Văn Đường còn khởi tạo và tham gia điều hành nhóm “Lều Của Đầy Tớ” trên mạng xã hội Facebook, thường xuyên đăng tải, phát tán những hình ảnh, thông tin sai lệch về các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam; thậm chí, nhiều lần y còn lợi dụng các vấn đề như sự cố do Formosa gây ra để kích động biểu tình, bạo loạn hay tổ chức gây rối ở BOT Cai Lậy, v.v. Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin:chiều tối 14/4/2023, Đường Văn Thái đã bị Công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện xâm nhập trái phép vào địa bàn thông qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới và bị tạm giữ để điều tra theo quy định của pháp luật. Như vậy,, đây là việc làm đúng quy định của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam; nó hoàn toàn không xâm phạm quy định, luật pháp của các quốc gia lân cận cũng như luật pháp quốc tế.

          Thứ ba, Báo cáo nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phản ánh đúng và làm cản trở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, tháng 9/2023 hai nước đã nhất trí nâng vượt cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương mới trong quan hệ ngoại giao, thể hiện thiện chí của nhà nước, nhân dân hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Trên thực tế, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; luôn tôn trọng những nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Và, Việt Nam luôn tôn trọng thể chế chính trị của các nước trong quan hệ đối ngoại.

          Như vậy, Báo cáo nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản ánh không chính xác, không khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam, cần phải đấu tranh, phê phán./.

 

 

 

Apr 18, 2024

“Trò hề” lố bịch của Văn bút Hoa Kỳ

           Tre Việt - Ngày 11/4, tổ chức phi chính phủ Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) thông báo sẽ trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho nhà báo Phạm Đoan Trang - người đang phải thụ án tù chín năm tại Việt Nam với cáo buộc tội Tuyên truyền chống Nhà nước. Lợi dụng việc này, trang facebook Đài Á Châu Tự Do (RFA), trích dẫn phát biểu của bà Suzanne Nossel (Giám đốc điều hành của PEN America) để tung hô, cổ súy cho chiến tích của “nữ chúa trong làng zân chủ”, rằng: “Bà đã hy sinh sức khỏe và tự do của bản thân để tìm kiếm công lý. Bất chấp những đàn áp của Chính phủ đối với các hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến, các câu chữ mạnh mẽ của bà tiếp tục khích lệ mọi người trên khắp Việt Nam và toàn thế giới”!.

Tre Việt cho rằng, việc PEN America trao giải thưởng về “tự do viết lách năm 2024” cho Phạm Đoan Trang - đối tượng đang phải chấp hành bản án 09 năm tù giam vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là hành động không phù hợp. Đây là “trò hề” của PEN America khi cố tình “vinh danh”, cổ súy cho đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam và đang phải chấp hành án phạt tù trong trại giam.

Cần khẳng định, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền tự do dân chủ về chính trị rất quan trọng đã được quy định trong các quy định của quốc tế. Mặc dù luật pháp quốc tế có những quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng đó không phải là quyền tự do một cách tuyệt đối; trong khi thực hiện các quyền tự do này thì lại phải chịu một số hạn chế nhất định, mà hạn chế đó là vì lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và quyền tự do của người khác. Không có nền báo chí nào, dù là của phương Đông hay phương Tây, cổ vũ cho cái gọi là tự do vô hạn độ. Ngay tại nước Mỹ, nơi được mệnh danh là “thiên đường” tự do, nhưng nếu báo chí mà cổ động để lật đổ chế độ Mỹ xem, chắc chắn báo chí sẽ không còn tồn tại. Gần đây nhất, một tờ tạp chí của Mỹ - quốc gia được mệnh danh là bình đẳng, tự do, bác ái, chỉ một bức tranh biếm họa người đứng đầu tôn giáo Mohamed, Tòa soạn đó lập tức bị tẩy chay. Trong khi đó, Phạm Thị Đoan Trang đang chịu án tù ở Việt Nam mà PEN America lại trao Giải thưởng này, đó là điều rất phi lý và không có giá trị.

Vì lẽ đó, việc giải thưởng về “tự do viết lách năm 2024” là “trò hề” lố bịch. “Trò hề” này cần bị lên án và đấu tranh bác bỏ./.

 

Một báo cáo không khách quan về nhân quyền của cơ quan Liên hợp quốc

           Tre Việt – Trong thời gian qua, quá trình xây dựng báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR)  chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo riêng của cơ quan Liên hợp quốc đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với những thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng báo cáo quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng thực tiễn và tinh thần hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan Liên hợp quốc đã nhất trí.

 Thực tiễn minh chứng, ngay mở đầu Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ, mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Nó được tiếp tục bổ sung, phát triển cùng với tiến trình của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã đề ra mục tiêu: xây dựng một xã hội do nhân dân lao động làm chủ; con người được giải phóng khỏi áp bức bóc lột, bất công; có điều kiện phát triển toàn diên cá nhân. Nhận thức và quan điểm về quyền con người đã được Đảng, Nhà nước ta phát triển và hoàn thiện dần trong tiến trình đổi mới. Đại hội IX (năm 2001) của Đảng khẳng định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”. Ngoài các văn kiện trên, Nghị quyết các Đại hội của Đảng và trực tiếp là các Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 2/12/2004, của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X),… cũng đã thể hiện sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng ta về vấn đề quyền con người.

Quyền con người còn được thể hiện rõ trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Mỗi Hiến pháp đều ghi nhận cốt lõi những điều khoản về Nhân quyền trong Hiến pháp. Riêng Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 Điều; trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất, gồm 36 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Và để triển khai trong thực tiễn, tính từ năm 2014 đến hết tháng 11/2019, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 100 văn bản Luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp 2013. Trong số đó có những Luật cơ bản, quan trọng, như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Trưng cầu dân ý 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật An ninh mạng 2018, Luật Đặc xá 2018,… Trong năm 2019, Quốc hội tiếp tục thông qua nhiều Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Thi hành án hình sự, Bộ Luật lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, v.v.

        Việc hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân nói trên đã phản ánh đúng bản chất của chế độ ta, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tăng cường cơ chế dân chủ, công khai để mọi cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân.

          Bởi vậy, nội dung báo cáo riêng của cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đưa ra nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, cần đấu tranh bác bỏ./.