Sep 17, 2021

Việt Nam có đầy đủ nội lực và tiềm năng để phát triển đất nước

Tre Việt - Ngày 15/9, facebook Việt Tân đăng bài: Giấc mơ “Công xưởng thế giới” vỡ tan và sự sụp đổ của nền kinh tế “rỗng” của Tân Phong,  cho rằng: Hà Nội giờ đây rối loạn và bất lực trước diễn biến tồi tệ của cơn dịch bệnh, đã vượt quá tầm kiểm soát. Đất nước chìm sâu vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội… Giấc mơ “công xưởng thế giới” chắc chắn sẽ vỡ tan và tương lai của một nền kinh tế rỗng cũng như một hệ thống chính trị tồi bại chắc chắn sẽ xuống hố cả nước(!). Đây là những luận điệu mang tính phiến diện, xuyên tạc những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19; bôi nhọ tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong đại dịch bằng những nhận định cực đoan, tiêu cực. Từ đó, kích động người dân chống đối, không tin tưởng vào các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền các cấp.

Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công,
đã tạo ra các đột phá trong sản xuất mùa dịch

Đúng là đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19, với sự xuất hiện của biến thể Delta đã gây ra cho Việt Nam những tổn thương sâu sắc, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung trong nhiều mảng sản xuất, làm hạn chế cơ hội bứt phá và ngăn cản đà tăng trưởng. Điều đáng nói là, đợt dịch này bùng phát mạnh ở các trung tâm kinh tế và các khu vực công nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân, có thể làm giảm nhiều lợi nhuận và tính thời cơ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu thế chuyển dịch chuỗi cung toàn cầu.

Tuy phải đối mặt với những bất lợi như vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia, nhà phân tích có uy tín trên thế giới và trong nước đánh giá: đại dịch Covid-19 không thể đánh bại Việt Nam, nội lực và các điều kiện phát triển của Việt Nam vẫn được giữ nguyên với nhiều ưu thế và sẽ nhanh chóng bứt phá khi có giải pháp phù hợp ngăn cản, sống chung với virus của đại dịch. Bởi vì:

Thứ nhất, Việt Nam có nội lực mạnh với một cộng đồng dân cư đông, gần 100 triệu dân đầy sức sống, năng động. Lực lượng lao động Việt Nam được đánh giá tương đối tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, trở thành trung tâm chế tạo hấp dẫn các công ty đa quốc gia.

Thứ hai, việc đối phó với đại dịch đã chứng minh bản lĩnh vững vàng của Đảng, Nhà nước, toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch ngày càng mang lại hiệu quả. Nhiều chuyên gia quốc tế, cho rằng: điểm mạnh trong công tác chống dịch là những người đứng mũi chịu sào của Việt Nam rất có lòng với dân, có bản lĩnh và ý thức học hỏi cao từ thực tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn những biến động khắc nghiệt của tình thế. Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế nhưng luôn quan tâm đến tính mạng và sự an toàn của từng người dân, tập trung vào mục tiêu chống dịch, coi đó là mục tiêu số một, kịp thời khuyến khích người dân chung tay với lực lượng chức năng tham gia phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. 

Thứ ba, đại dịch cũng đã mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số. Đây là năm đầu tiên lễ khai giảng năm học mới được triển khai trực tuyến. Điều này cho thấy những tiềm năng đổi mới mạnh mẽ gắn với công nghệ số, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Những tiến bộ về công nghệ thông tin với nguồn chất lượng nhân lực phát triển tốt, có quy trình chuẩn hóa cao đạt trình độ quốc tế và đặc biệt là giá thành phải chăng tiếp tục đưa Việt Nam lọt vào “tầm ngắm” của nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn.

Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tư do Việt - Anh... đã giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại trong bối cảnh đại dịch. Là thành viên của hơn 60 hiệp định thương mại và là một trong những nền kinh tế có độ mở rất cao, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và phân tách kinh tế vẫn tiếp diễn, Việt Nam có thể chứng kiến làn sóng FDI mạnh mẽ hơn sắp tới. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực năm 2021 đã đơn giản hóa các thủ tục và quy định việc thành lập doanh nghiệp mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thiết lập hoạt động.

           Đại dịch Covid-19 gây ra cho Việt Nam nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, hành động quyết liệt của Chính phủ và hệ thống chính trị, khủng hoảng dường như cũng là cơ hội làm bùng lên sức mạnh dân tộc, thu hút sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cho những giải pháp, cải cách đột phá. Thành công lớn nhất là công tác an dân, với thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong tình cảm, tư tưởng của mọi tầng lớp nhân dân, nhận thức rõ về các nguy cơ của đại dịch và tham gia chung tay cùng các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác chống dịch. Tre Việt tin rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, Việt Nam sẽ có đầy đủ nội lực và tiềm năng để phát triển đất nước, không như nhận định xuyên tạc, mang tính cực đoan, tiêu cực của Việt Tân./.