Jun 24, 2021

“Ngậm máu phun người”


Tre Việt – Ngày 24/6, trang facebook Việt Tân đăng bài “Báo cáo VNHR: Việt Nam đang giam giữ gần 300 tù nhân lương tâm”. Bài viết cho rằng: Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tùy tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng,…”. Đây là chiêu trò “Ngậm máu phun người” nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước hết, cần khẳng định rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” như đầu đề bài viết đã nêu. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và đề ra những chính sách an sinh xã hội cụ thể để bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Thực tế này đã được khẳng định thông qua những thành tựu, sự phát triển toàn diện của đất nước, mang lại sự đổi thay diện mạo, vị thế, uy tín của đất nước và cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Điều này đã được các quốc gia, tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận, đánh giá cao.

Trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước đó, phần lớn nhân dân đều đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, có một số công dân đã cố tình đi chệch xu thế chung. Họ tự cho mình có những hành động, việc làm, phát ngôn,… quá giới hạn quyền của công dân, vi phạm pháp luật. Do đó, đã bị các cơ quan chức năng xử lý công bằng, nghiêm minh trước pháp luật với những bản án rõ ràng, đúng người, đúng tội, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) đã không tìm hiểu rõ nội tình theo hướng khách quan, mà ngược lại, luôn dùng tư tưởng ác cảm, thái độ thâm thù với Việt Nam để nhìn nhận, đánh giá sai lệch về tình hình thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Câu chuyện này, không phải là mới khi mà năm nào cũng vậy, không chỉ riêng VNHR mà một số tổ chức khác, như: Phóng viên không biên giới (RSF), Ân xá quốc tế (AI), Sáng kiến thể hiện lương tâm người Việt hải ngoại (VOICE), Việt Tân,… luôn lợi dụng việc Việt Nam bắt giữ, điều tra, xét xử những công dân chống đối chính quyền để “Ngậm máu phun người”, lu loa, kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế, gây sức ép với Việt Nam.

Song những luận điệu, chiêu trò nhai lại cái đã cũ của chúng sẽ không mang lại kết quả gì, chỉ tốn công, vô ích mà thôi./.

 

Việt Nam không chống dịch thành công nhờ may mắn, mà do áp dụng các biện pháp hiệu quả, quyết liệt

           Trong buổi họp báo thường kỳ trực tuyến ngày 24/6 của Bộ Ngoại giao, một nhà báo nước ngoài trích dẫn bài biết của tờ New York Times ngày 02/6; trong đó, có nội dung coi thành tích chống dịch Covid-19 trong quá khứ của Việt Nam là “may mắn”.

Ngoài ra, bài viết này cho rằng: một ổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh được phát hiện ban đầu từ nhóm truyền giáo và sự nổi lên của biến chủng virus mới sẽ đặt dấu chấm hết cho may mắn trong quá khứ của Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Là một người sống và làm việc tại Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua, tôi nghĩ bạn cũng sẽ chia sẻ quan điểm của tôi, rằng nói Việt Nam may mắn trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hoàn toàn không khách quan”.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe
cho người dân trước khi tiêm vaccine

Theo bà Hằng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã có những quyết sách, chiến lược và chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương.                                                                 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh bình thường mới, Bộ Y tế đã đưa ra những thông điệp 5K, gần đây nhất là 5K + vaccine, để kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng thực hiện, chung sống an toàn với đại dịch. Việt Nam cũng tích cực nghiên cứu áp dụng công nghệ truy vết xét nghiệm, nâng cao kết quả phòng, chống dịch bệnh. Với quyết tâm chống dịch của toàn hệ thống chính trị, của người dân và đặc biệt là của lực lượng tuyến đầu chống dịch, Việt Nam đã vượt qua 3 đợt bùng phát dịch bệnh.Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời quyết liệt, trong đó có những biện pháp lần đầu được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch, như ngăn chặn sự lây lan từ bên ngoài bằng cách hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài vào Việt Nam, tổ chức khoanh vùng, dập dịch, truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp, kiểm soát chặt chẽ người bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và tiếp xúc gần một cách hiệu quả, v.v.

“Phát huy những kinh nghiệm, thành công trong việc đối phó với các đợt dịch bệnh trước, cộng với sự hiểu biết năng lực ngày càng cao của nhân viên y tế và năng lực xét nghiệm, Việt Nam đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời đảm bảo cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân”, bà Hằng khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả chiến lược vaccine, và chuẩn bị các đường hướng tốt nhất để xây dựng kế hoạch, triển khai tiêm vaccine trên cả nước theo lộ trình phù hợp, hiệu quả, hướng tới miễn dịch cộng đồng. “Những kết quả trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, WHO và nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Dư luận, báo chí, kể cả báo chí Mỹ, cũng gọi Việt Nam là hình mẫu chống dịch”./.

(Nguồn ANTĐ.vn)