Apr 24, 2016

CHỨNG NÀO TẬT NẤY

Tre Việt - Trong bài viết: “Chính quyền loại những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội là vi hiến” đăng ngày 23/4/2016 trên VOA tiếng Việt của Cù Huy Hà Vũ, cho thấy Vũ dùng luật pháp để ngụy biện. Trong khi Vũ hô hào phải làm theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng chính tay này lại không thừa nhận Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật số 85/2015/QH13, ngày 25/6/2015 của Quốc hội khóa XIII. Luật này quy định về Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở Trung ương. Sở dĩ có Hội nghị Hiệp thương vì số đại biểu Quốc hội khóa XIV đã ấn định là 500 người, trong khi số người ứng cử (bao gồm đại biểu do các tổ chức giới thiệu ứng cử và tự ứng cử) cao hơn nhiều số đại biểu Quốc hội đã ấn định, vì vậy, cần phải có Hội nghị Hiệp thương - có thể hiểu là qua các “bộ lọc” - ở các cấp để tìm người thực sự đủ cả đức lẫn tài xứng đáng đại diện cho cử tri đảm nhiệm công việc cử tri ủy thác. Thế mà, Vũ lại không thừa nhận Hội nghị Hiệp thương và cho đó là “vi hiến”. Vũ viết: “Nếu không thuộc trường hợp bị cấm theo Điều 37 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì mọi công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử (bao gồm quyền tự ứng cử) đại biểu Quốc hội đồng nghĩa việc không đưa họ vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội bất kể lý do gì là vi Hiến. Vì thế, việc Hội nghị Hiệp thương loại những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử ra khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội là vi Hiến!”. Cứ cho là, hầu hết những người tự ứng cử đều đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội: 1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. 4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. Trong số những người cùng đủ tiêu chuẩn thì phải lựa chọn người tiêu biểu hơn chẳng lẽ lại không đúng sao?


Vũ dẫn Điều 14 Hiến pháp: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nghĩa là một khi công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định thụ hưởng một quyền nào đó thì quyền này là bất khả xâm phạm, không ai có thể tước bỏ nó trừ trường hợp quyền này bị hạn chế bởi quy định của luật”. Thưa ông Vũ, vậy Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân - Luật số 85 mà Quốc hội khóa XIII ban hành như đề cập ở trên không phải là luật sao? Hiến pháp là đạo luật gốc, để Hiến pháp đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có các luật ban hành đồng bộ để thực thi Hiến pháp. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chính là để quyền con người, quyền công dân được thực hiện tốt hơn như Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định. Chỉ dựa vào Hiến pháp mà bỏ qua các luật cụ thể việc thực hiện Hiến pháp là sao thưa ông? Đã dùng luật thì phải căn cứ vào luật, không thể chỉ dẫn những điều luật phục vụ ý xấu của mình mà bỏ qua các điều luật khác, như vậy thì sao có được tính khách quan, toàn diện. Người viết đã phiến diện với mục đích xấu thì không thể có tiếng nói chung. Ông cho rằng, Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, một số người tự ứng cử do không đủ tiêu chuẩn đã bị loại ra khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội là vi hiến và kêu gọi họ làm đơn khiếu nại qua hai bước đã thể hiện rõ sự chống phá Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đúng là, ông vẫn chứng nào tật nấy. Người xưa có câu: “Giang Sơn khó dời, bản tính khó đổi” quả không sai./. 

CHỈ LÀ SỰ HỌC TẬP MÁY MÓC

Tre Việt - “Trung Quốc chấm dứt việc quân đội “nhảy múa kiếm cơm”- Việt Nam thì sao?” là chủ đề bài viết của Lê Anh Hùng trên blog của anh ta và được VOA tiếng Việt đăng ngày 23/4/2016. Qua bài viết của Hùng cho thấy, anh ta lo lắng thái quá, suy diễn, học tập một cách máy móc mà không hiểu rõ về chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam.


          Lê Anh Hùng dẫn việc Trung Quốc: “đề ra chính sách buộc quân đội nước này phải ngừng tất cả các hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ dân sinh có thu tiền, để tập trung vào nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh, quốc phòng. Dịch vụ dân sinh thu tiền là những hoạt động như khám chữa bệnh, xây dựng, biểu diễn văn nghệ… phục vụ dân chúng”. Bởi theo anh ta: việc Trung Quốc cấm quân đội tham gia hoạt động kinh tế là nhân tố rất quan trọng giúp cho quân đội nước này trở nên hùng mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, vì hoạt động kinh tế trong quân đội là những ung nhọt tham nhũng, gây ra những tác hại khôn lường, khiến sức chiến đấu của quân đội bị suy giảm. Việc lo lắng của Lê Anh Hùng cũng một phần có lý. Nhưng cái chính là phải làm thế nào để ngăn chặn không để tình trạng tham nhũng xảy ra. Nếu vì sợ tham nhũng mà cấm quân đội làm kinh tế thì có khi còn nguy hiểm hơn đối với trường hợp của Quân đội ta.

          Xét về bản chất, Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Việc tăng gia sản xuất đã là truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến, hễ đi đến đâu là cán bộ, chiến sĩ quân đội đều phải trồng trọt, dù rằng đơn vị có di chuyển đến địa điểm khác vẫn phải trồng trọt. Làm như vậy để tạo ra nguồn hậu cần tại chỗ cho đơn vị khác, khi đến có nguồn sử dụng, đảm bảo sức khỏe và chiến đấu giành thắng lợi. Trong hòa bình, với bản chất, truyền thống của Quân đội ta việc tiếp tục tăng gia sản xuất cũng rất cần thiết. Về chức năng, Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Vẫn biết rằng, Quân đội là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, nhưng không có nghĩa là không tham gia xây dựng đất nước bằng cách thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất. Trong đó, có hai loại hình doanh nghiệp. Một là, loại doanh nghiệp thuần túy kinh tế thì phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bình đẳng như các doanh nghiệp dân sinh khác. Hai là, loại hình doanh nghiệp quốc phòng, thì phải tham gia sản xuất dân sinh thực hiện chức năng trong thời bình thì tham gia sản xuất dân sinh, khi thời chiến thì chuyển sang sản xuất quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu các doanh nghiệp quốc phòng này không sản xuất dân sinh thì không có nguồn kinh phí hoạt động, phải trông chờ vào nguồn ngân sách quốc phòng eo hẹp thì còn đâu nguồn vốn đầu tư cho hiện đại hóa quân đội? Mặt khác, có sản xuất dân sinh thì mới đảm bảo cuộc sống của công nhân quốc phòng và điều quan trọng là giữ gìn tay nghề của nguồn nhân lực này, nếu không thì không thể xoay sở kịp khi có yêu cầu sản xuất quốc phòng. Hơn nữa, một số lĩnh vực quân đội không thực hiện thì khó có lực lượng nào thực hiện được. Chẳng hạn, một số lĩnh vực sản xuất quốc phòng thì phải do doanh nghiệp quốc phòng đảm nhiệm, vừa đảm bảo bí mật quân sự, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Quân đội cũng được Chính phủ giao xóa đói giảm nghèo ở các huyện khó khăn nhất trong số 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30 a của Chính phủ. Ở vùng sâu, vùng xa không thực hiện quân - dân y kết hợp thì người dân ở những vùng này không được chăm sóc về y tế - quyền con người ở nơi đây sẽ có nhiều khiếm khuyết phải không Hùng? Vì thế, Hùng cho rằng: “Trong khi Trung Quốc đang gấp rút hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội,… thì đội ngũ tướng lĩnh… của Việt Nam vẫn mải mê chìm đắm trong vòng xoáy kim tiền. Ai sẽ bảo vệ đất nước chúng ta?” là sự lo lắng thiếu cơ sở.


          Vài nét thế để Lê Anh Hùng thấy rằng, việc học tập nước ngoài là cần thiết, nhưng phải biết lựa chọn không thể học tập một cách máy móc như con vẹt!