Jan 3, 2021

“Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa?”

          Tre Việt – Ngày  01/01/2021, trên trang Tiếng Dân News Nguyễn Hùng có bài: “Việt Nam 2021: Bảy điều ước”. Trong đó ông ta cho rằng “đừng tự mãn “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa?”. Tre Việt cho rằng, Việt Nam không thỏa mãn dừng lại với những gì đã đạt được, mà phải luôn phấn đấu vươn lên. Còn sự thật thì đất nước ta đang có cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tín lớn nhất từ trước đến nay.

Trong bài viết, Nguyễn Hùng đã thừa nhận (xin trích nguyên văn): “Ít ai ngờ câu “mây đen phủ kín toàn cầu, mặt trời tỏa sáng trên đầu Việt Nam” lại có những điểm đúng trong năm Covid 2020.

Trong những ngày cuối năm, hãng chuyên khảo sát giá trị thương hiệu toàn cầu có trụ sở ở Anh, Brand Finance, cho rằng thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng tới 29% lên 319 tỷ đô la Mỹ trong 12 tháng qua. Brand Finance nói Việt Nam, với số ca nhiễm và số tử vong vì Covid cực thấp, đã trở thành điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á cho các nhà sản xuất và đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Họ cũng nói hiệp định thương mại với EU càng hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Việt Nam.

Để so sánh, Brand Finance cũng dẫn ví dụ Ác-hen-ti-na, nước bị giảm giá trị thương hiệu tới 57% xuống còn 175 tỷ đô la do số ca lây nhiễm Covid vượt quá một triệu trong khi bạo loạn nổ ra khắp đất nước để phản đối tình trạng tham nhũng, đòi cải cách tư pháp và thể hiện sự bất bình trước cách kiểm soát dịnh bệnh của chính quyền”. Như thế là Nguyễn Hùng cũng đã thừa nhận cơ đồ, tiềm lực, vị  thế, uy tín của Việt Nam hiện nay.

Trong lịch sử dân tộc ta đã nhiều lần nhân dân ta đánh đổ bọn xâm lược giành độc lập dân tộc, nhưng cơ đồ, tiềm lực kinh tế đất nước chưa được như ngày nay. Trong thời đại Hồ Chí Minh, làm nên Cách mạng Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, uy tín, vị thế của đất nước cũng rất cao, nhưng nước ta vẫn là nước nghèo, hiện nay nước ta trở thành nước trung bình. Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, GDP của Việt Nam trong năm 2020 ước tính ở mức 340 tỷ USD, vượt qua Malaysia và Singapore và dự đoán sắp sửa vượt qua cả Philippines (hiện có GDP 367 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan. Như thế rõ ràng, cơ đồ đất nước ta cao hơn từ trước đến nay.

Về đối ngoại, chúng ta đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Hiện nay, nước ta có quan hệ đối ngoại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có 16 đối tác chiến lược và 12 đối tác hợp tác toàn diện; đã ký kết và thực hiện hiệu quả 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), mới đây là Hiệp định đối tác toàn diện của ASEAN với các đối tác (RCEP) - Hiệp định thương mại lớn nhất toàn cầu. Đồng thời đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là vai trò nước chủ nhà APEC-2017, Chủ tịch ASEAN-2020, AIPA-41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, v.v. Vì thế, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín cao trong năm 2020; được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”.

Như vậy, nhìn lại lịch sử dân tộc về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước, chúng ta tự hào nói rằng: “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa?”. Đó hoàn toàn đúng, không phải là sự tự mãn như Nguyễn Hùng nói./.