Dec 22, 2022

Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối trung thành và giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng

             Tre Việt – Cứ vào dịp Quân đội ta kỷ niệm Ngày thành lập thì các thế lực thù địch, phản động lại ra tăng các luận điệu và hoạt động chống phá; nhất là trên không gian mạng. Nội dung chủ yếu chúng tập trung công kích vào sự trung thành của Quân đội và sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, v.v. Bởi vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi xuyên tạc.

Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ra đời ngày 22/12/1944 từ những tổ chức vũ trang tiền thân trong phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do của dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, tổ chức, lãnh đạo. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định tính tất yếu, đặc thù ra đời và vai trò to lớn của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Và, về bản chất, QĐND Việt Nam là Quân đội kiểu mới, công cụ bạo lực vũ trang của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.


Là công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa, QĐND Việt Nam cùng với các giai cấp, thành phần của toàn dân tộc tiến hành đấu tranh chống lại các thế lực xâm lược để giành độc lập dân tộc và thực hiện thống nhất nước nhà. Sau khi đất nước độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, QĐND Việt Nam là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tế lịch sử đấu tranh cách mạng cho thấy, từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao phó. Bản chất giai cấp công nhân và truyền thống vinh quang của Quân đội ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nhưng thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của QĐND Việt Nam.

Là Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì vậy, QĐND Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân sâu sắc. Bản chất đó được biểu hiện sâu sắc ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; hệ tư tưởng và nguyên tắc tổ chức xây dựng Quân đội. Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước xã hội chủ nghĩa quyết định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; quyết định các nguyên tắc tổ chức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Hệ tư tưởng trong QĐND Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.  

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định chương IV về bảo vệ Tổ quốc, bao gồm các Điều 64 đến Điều 68 đã thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo vệ Tổ quốc. Bản chất chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và QĐND Việt Nam nói riêng, thể hiện ở những nội dung cụ thể sau. Thứ nhất, vai trò của QĐND Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Điều 64 quy định: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Như vậy, Hiến pháp đã xác định rõ QĐND Việt Nam cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam. Điều 65 quy định: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Thứ ba, phương hướng xây dựng QĐND Việt Nam. Điều 66, 67, 68 quy định: Nhà nước xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Thứ tư, quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam. Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương Quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của QĐND; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc.

Cần khẳng định rõ: kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; kiên định, giữ vững nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo, Nhà nước quản lý QĐND Việt Nam - là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội và là nhân tố bảo đảm chính trị của Quân đội ta.

Các thế lực thù địch, phản động từ trước đến nay cũng hiểu rất rõ điều này. Do vậy, chúng luôn tìm mọi cách công kích, phá hoại, nhằm tiến tới loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, tạo nguyên cớ cho các thế lực có thâm thù với cách mạng tiến hành “cuộc chiến không đánh mà thắng”, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc nhận diện kịp thời và phê phán sự phi lý, phản động của các thế lực thù địch hòng chia rẽ Quân đội với Đảng là việc làm cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các lực lượng trong phòng, chống các luận điệu chống phá Quân đội của các thế lực thù địch, phản động, suy cho cùng là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QĐND Việt Nam./.

 

Bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - bác bỏ mọi cáo buộc phi lý

Tre Việt - Trong 5 năm qua (2017 - 2022), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu. Họ cho mình quyền nhận xét, đánh giá phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam và một số quốc gia khác. Họ sử dụng thông tin tài liệu cũ hoặc không chính thống từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để tiếp nhận thông tin sai lệch, đưa vào báo cáo đánh giá.

Một số tổ chức tìm cách khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần xin phép, đăng ký chính quyền, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa, gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Giáo hội và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền. Họ kích động với luận điệu đây là quyền con người “quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo”; xuyên tạc Luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, coi đó là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo” không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người, v.v. Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC), “gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và nhấn mạnh tiến bộ về tự do tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ song phương”, v.v.

Cần khẳng định rõ: đây là những cáo buộc hết sức phi lý, một chiều, không dựa trên thực tiễn bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam (!).


Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Ở Việt Nam có những tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hoà Hảo, Cao đài,…) song hành cùng các tôn giáo du nhập từ bên ngoài (Công giáo, Phật giáo, Tin lành,…). Các tôn giáo luôn luôn giữ mối đoàn kết và tôn trọng niềm tin tôn giáo lẫn nhau, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 05 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa – thể thao và ngành nghề. Đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo,…).

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dù còn bộn bề công việc, ngày 03/9/1945, tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà và lịch sử đã chứng minh, dù trong điều kiện khó khăn của đất nước nhưng chức sắc các tôn giáo, đồng bào có đạo giáo khẳng định rõ sự gắn bó đồng hành với dân tộc.

Ngày nay, ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn, như: Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ,… các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo,… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Lễ hội của nhiều tôn giáo đều trở thành lễ hội chung vui của toàn dân tộc như lễ Noel, lễ hội La Vang. Đặc biệt, lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới. Một số lễ hội mang tính thế tục được dư luận quan tâm đánh giá cao, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm 2005; Đại hội hành hương La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức năm 2005, v.v. Bên cạnh những giá trị đạo đức, các tôn giáo còn có hệ thống những lễ hội rất phong phú. Trước đây, việc tổ chức và tham gia lễ hội là công việc nội bộ giáo hội và tín đồ trong đạo; ngày nay, rất nhiều lễ hội tôn giáo không còn là chuyện riêng của từng tôn giáo mà nó có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội như Lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh, v.v. Và Lễ Giáng sinh chỉ là một trong số tám ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong một năm ở Việt Nam. Thực tế không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân những năm qua ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng có thể nhận rõ, những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia.

Thực tiễn sinh động trên cho thấy: Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm; không chỉ đối với đồng bào theo đạo Công giáo, quy mô và hoạt động tôn giáo của đồng bào theo các tôn giáo khác cũng ngày càng tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm.

Những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam mà các tổ chức thiếu thiện chí đưa ra tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Vậy tiêu chí, tiêu chuẩn của Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế Mỹ là gì? Họ đại diện cho ai để phê phán, đánh giá về tự do tôn giáo của Việt Nam, khi mà các phê phán của họ chỉ là sự lạc lõng, không được chức sắc tôn giáo đồng tình?

Thay lời kết, xin dẫn phát biểu của Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (chiều 15/12/2022) khẳng định: Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Và “Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”./.