Mar 15, 2020

Bịa đặt



Tre Việt – Vừa qua, kênh VOA Tiếng Việt đăng bài: “Phúc trình Safeguard Defenders tố Việt Nam cưỡng bức nhận tội trên TV”. Theo bài viết, trong báo cáo của Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố ngày 11-3-2020 đã lên án chính quyền Việt Nam về hành động cưỡng bức nhận tội trên truyền hình quốc gia. Báo cáo viết: “Hành động ép buộc thú tội rồi phát trên truyền hình vi phạm các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế mà chế độ đã ký kết”. Đây là sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Safeguard Defenders đối với việc thực hiện quy trình tố tụng cũng như tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Bởi vì, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, ngày càng sâu rộng, trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các diễn đàn, tổ chức quốc tế và luôn tôn trọng, thực thi nghiêm túc các quy định, điều khoản của các công ước, luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Điều này đã được các quốc gia, các tổ chức quốc tế lớn, có uy tín ghi nhận, đánh giá cao.
Trên thực tế, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ quy trình các bước tố tụng đối với cơ quan chức năng. Đồng thời, quy định hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những hành động vi phạm, như: mớm cung, ép cung, bức cung. Điều 374, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định: “Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Với hình phạt như vậy, thử hỏi liệu có cá nhân nào trong quá trình thực hiện điều tra, xét hỏi lại ép cung, bức cung để chuốc họa vào thân?
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam luôn có sự khoan hồng, giảm nhẹ khung hình phạt đối với những người phạm tội nếu biết ăn năn, hối cải, khai báo trung thực, thành khẩn. Vì thế, hầu hết những đối tượng phạm tội khi bị bắt, trong quá trình điều tra, xét hỏi đều chọn việc hợp tác với các cơ quan chức năng, khai báo thành khẩn để được hưởng sự khoan hồng. Việc đưa hình ảnh thú tội lên kênh truyền hình quốc gia, nhất là với những vụ án nhạy cảm, liên quan đến quyền con người là để đông đảo nhân dân hiểu rõ bản chất của sự việc từ chính người trong cuộc nói ra, tránh hoài nghi, không để các thế lực xấu lợi dụng mạng xã hội kích động, tung tin sai sự thật, gây phức tạp tình hình. Vì thế, không thể nói là Việt Nam vi phạm các quy định, điều ước luật pháp quốc tế mà mình là một thành viên.
Còn với Safeguard Defenders chỉ là tổ chức phi chính phủ, thông tin trong báo cáo của họ chỉ dựa trên những nguồn tin không chính thống, thông tin một chiều, không khách quan, thiếu cơ sở nên chỉ là thông tin bịa đặt, cần phải vạch trần, lên án./.