Jul 13, 2020

Báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ chưa khách quan



          Tre Việt - Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên thế giới (TIP) năm 2020, cũng như Báo cáo TIP 2019, xếp Việt Nam ở “Nhóm 2 cần được theo dõi”, trong đó quy kết rằng: “Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu làm giảm tình trạng mua bán người”.
 Lực lượng biên phòng bắt giữ một đối tượng 
buôn người sang biên giới:
Tre Việt, thấy rằng: Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ nội dung khi đánh giá kết quả phòng, chống mua bán người của Việt Nam năm 2019 đã căn cứ vào các nguồn thông tin không chính thống, đưa ra nhiều đánh giá thiếu khách quan về những nỗ lực của các bộ, ngành trong công tác phòng, chống mua bán người trong năm qua; không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Thực tế, việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân. Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo cơ sở cho phòng, chống nạn buôn người.  Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người đồng thời đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này. Mới đây nhất, ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.
Hiện nay, Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này. Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, phát huy vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.
Tất nhiên, Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình phòng, chống mua bán người của Việt Nam năm 2019 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại tội phạm mua bán người chưa theo kịp được yêu cầu, v.v. Nhưng những nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận và càng không thể quy chụp Chính phủ Việt Nam “không thể hiện nỗ lực” trong việc xử lý vấn nạn buôn người. Việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề cần phải dựa trên những thông tin xác thực, có kiểm chứng để đưa ra những đánh giá khách quan, thận trọng, không để tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước./.