Jan 17, 2016

SỰ NGỤY BIỆN VÔ LỐI

TRE VIỆT - Bài viết: “Bàn về chữ đức của ông Nguyễn Phú Trọng” của Trần Quý Cao, đăng ở một số trang mạng “lề trái”, ngày 16-01 đã ngụy biện, bẻ  cong chữ “Đức” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi lựa chọn những người đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo của Đảng.
          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói người có Đức: “Phải trung thành tuyệt đối với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước”. Rõ ràng như thế, mà Cao lại bẻ cong đưa ra ba “hệ quả” của quan niệm “giữ cho được chế độ này, Đảng này”.
          Hệ quả thứ nhất, ông ta cho rằng, “đất nước đi ngược chiều văn minh”(!). Cần khẳng định ngay rằng, đó là sự võ đoán của Cao. Văn minh được thể hiện ở việc chăm lo đến an sinh xã hội, đời sống của nhân dân như thế nào. Điều đó thể hiện sinh động ở việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Về vấn đề này, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam. Bởi nhiều mục tiêu Việt Nam đã về đích sớm; trong đó, có mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Điều đáng nói là Việt Nam thực hiện thành quả đó trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên các nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo. Vì thế, tỉ lệ nghèo ở Việt Nam giảm nhanh chóng. Do vậy, nhiều nước đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Mục tiêu này trong điều kiện đất nước còn khó khăn. Trong khí đó, nhiều nước phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao, nhưng không ít người vô gia cư, phải sống trong các hộp cát-tông, vỉa hè,… đó sao. Đành rằng, ở vùng sâu, vùng xa nước ta còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đói, nhất là lúc giáp hạt. Đó là vấn đề khó tránh khỏi, Đảng, Chính phủ đều biết và đang cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo để có các hành động cụ thể khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng đói nghèo không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian và thực hiện từng bước vững chắc để không tái nghèo.
          Hệ quả thứ hai ông Trần Quý Cao đưa ra là “chặn đường phát triển của dân tộc”(!). Lý do mà ông ta đưa ra là do đất nước không có các đảng phái khác đưa ra các phương án khác nhau để nhân dân lựa chọn, mà chỉ có một sự lựa chọn phương án của Đảng Cộng sản. Phương án của Đảng Cộng sản trước khi quyết định đã đưa ra toàn dân thảo luận, đóng góp, hiến kế đấy thôi. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và các kỳ đại hội trước cùng những quyết sách quan trọng khác, như Hiến pháp và các luật,… Đảng, Nhà nước chẳng lấy ý kiến góp ý của nhân dân đó sao? Thực chất, ông ta ngụy biện để đòi đa đảng mà thôi. Hãy nhìn ra thế giới, một số nước đa đảng có giữ được ổn định để phát triển đất nước đâu. Những đất nước đó luôn xảy ra mâu thuẫn, sung đột, hậu quả là nhân dân phải gánh chịu. Vậy nên, Trần Quý Cao và những người có suy nghĩ như ông ta dừng giầu trí tưởng bở.
          Hệ quả thứ ba, Trần Quý Cao cho rằng, “đưa Tổ quốc vào tròng của Trung Cộng”(!). Cao không phải là người đầu tiên nói về vấn đề này, mà ông ta chỉ là người “ăn theo nói leo”. Việt Nam và Trung Quốc cùng ý thức hệ, cùng lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, không thể nói nước nào theo nước nào được mà là sự lựa chọn của mỗi nước phù hợp với luật pháp quốc tế về quyền dân tộc tự quyết - tự quyết định lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình. Thực tế cho thấy, Quốc khánh Việt Nam ngày 02-9-1945, còn Quốc khánh Trung Quốc ngày 01-10-1949, mà sự lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của Việt Nam được khẳng định ngay từ Cương lĩnh năm 1930 của Đảng. Vậy nước nào theo nước nào mà họ lại đua nhau cho rằng Việt Nam theo Trung Quốc, vào “tròng” Trung Quốc? Đó chỉ là sự ngụy biện vô lối mà thôi./.