Aug 6, 2014

CÓ CÒN XỨNG ĐÁNG LÀ ĐẢNG VIÊN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM?

          Tre Việt - Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, trên một số trang mạng lề trái ta lại bắt gặp cái gọi là Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), của 61 người tự khai là đảng viên ĐCSVN cùng ký tên (gọi tắt là Thư ngỏ 61).
          Đọc Thư ngỏ 61 tôi thấy có tâm trạng chung là đều lo cho đất nước và mong sao đất nước ngày càng giàu mạnh. Đó cũng là tâm trạng không chỉ của 61 người cùng ký tên vào Thư ngỏ 61, mà còn là mong muốn chung của mọi người dân Việt Nam dù sinh sống ở trong nước hay ở nước ngoài. Đây là nguyện vọng chính đáng ai mà không mong muốn đất nước mình giàu mạnh, nên chẳng có gì phải bàn. Nhưng để đạt được điều mong muốn ấy bằng cách nào? Bằng “sáng kiến” của 61 người tự khai là đảng viên trong Thư ngỏ 61 ư? Theo tôi là không thể. Tại sao?
          Những người này viết: “Từ nhiều năm nay, ĐCSVN dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác – Lê-nin”. Từ đó họ kêu gọi: “ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”. Như vậy, là họ không thừa nhận việc xây dựng xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng XHCN mà Cương lĩnh và văn kiện qua các kỳ đại hội của Đảng đều khẳng định. Họ cho là “ĐCSVN dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết” là không hoàn toàn đúng. Trước khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, đúng là chúng ta xây dựng CNXH bị ảnh hưởng nhiều của mô hình Xô-viết; nhưng sau đó, nhất là từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, chúng ta không hoàn toàn theo mô hình Xô-viết - để tránh gặp phải sai lầm của mô hình này - nhưng không thể phủ nhận sạch trơn mô hình Xô-viết, mà những cái hợp lý chúng ta phải kế thừa và phát triển. Ví dụ như vấn đề sở hữu, để đi đến sở hữu toàn dân thì phải có lộ trình, không thể nóng vội, chúng ta phải thực hiện đa sở hữu với nền kinh tế nhiều thành phần, trước đó chỉ có quốc doanh và tập thể. Nhưng để xây dựng CNXH thì không thể xa rời sở hữu toàn dân, tất nhiên, để đến được đó còn là chặng đường rất dài. Ví dụ như vấn đề kế hoạch, trước đây là kế hoạch tập trung, nay vẫn phải kế hoạch, nhưng là kế hoạch theo thị trường, để xây dựng xã hội văn minh, hiện đại thì không thể không có kế hoạch, v.v.
          Họ cho rằng, mô hình Xô-viết bị sai lầm do “dựa trên chủ nghĩa Mác – Lê-nin” (!) Như vậy, họ đã công khai không công nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trong quá trình tìm đường cứu nước, trải qua bao khó khăn, vất vả tìm hiểu ở nhiều châu lục, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Ở Việt Nam ta, chưa có ai đi nhiều, học rộng như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và bằng chính khả năng của Người, chúng ta tin tưởng kết luận trên mà Người rút ra là hoàn toàn đúng đắn. Và những ai đã học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng đều thừa nhận tính khoa học và cách mạng của lý luận này. Ấy thế mà họ đòi xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sao?
          Họ đòi Đảng thay đổi Cương lĩnh, thực chất là đòi Đảng phải rời bỏ nền tảng tư tưởng lý luận và kim chỉ nam cho hành động của mình là chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh? Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng phải lấy chủ nghĩa làm nòng cốt, nếu không thì cũng như thuyền không có lái, như người đi trong đêm tối mà không có la bàn, mất phương hướng hoạt động. Như vậy, việc đòi Đảng phải thay đổi Cương lĩnh của họ thật là tai hại.
          Họ còn đòi “đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”. Dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng mà phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền. Lợi ích của ĐCSVN gắn chặt với lợi ích của nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam khao khát độc lập hàng bao thế kỷ, đã liên tục đấu tranh không khoan nhượng chống ách áp bức đáng nguyền rủa của bọn thực dân Pháp. Nhưng trước khi có Cách mạng Tháng Mười, các cuộc đấu tranh đó đều không thành công, vì nó giống như con tàu trôi lênh đênh không có la bàn chỉ hướng… Lênin đã chỉ ra con đường giải phóng cho nhân dân chúng tôi, chỉ ra nhân tố quyết định, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất để giành thắng lợi - đó là Đảng”[2]. Vì vậy, không thể nói ĐCSVN mất dân chủ.
          Tự nhận là đảng viên ĐCSVN mà 61 vị ký đơn trong Thư ngỏ 61 tự mình xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đòi thay đổi Cương lĩnh, cho là độc đảng nên không có dân chủ, cho nên họ thực hiện dân chủ không theo nguyên tắc của Đảng là đưa ý kiến của mình lên in-tơ-nét trước khi nó đến nơi cần đến. Thử hỏi, là đảng viên mà họ đưa ra những đòi hỏi ở trên và việc chấp hành nguyên tắc, tổ chức của Đảng như thế thì liệu có còn xứng đáng là đảng viên của ĐCSVN nữa không?





[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr.289.
[2] Sđd - Tập 12, tr. 557.