Feb 24, 2021

Bài học từ sự ứng xử

        Tre Việt – Trong “Câu chuyện về người chôn phích Trung Quốc” của Nguyễn Quang Thiều đăng trên facebook Việt Tân ngày 23/02/2021, mô tả: ông C được người em làm ở Bộ Ngoại giao tặng một cái phích con công của Trung Quốc; ông coi đó là tài sản lớn nên cho chiếc phích vào tủ kính và khóa chặt lại, đôi ngày lại mang ra lau chùi cẩn thận, chỉ dùng vào những dịp đặc biệt trong năm; hễ có ai đến chơi, ông lại nói về chiếc phích, trong đó có câu: “Phích Trung Quốc là nhất thế giới’’. Khi biết con trai hy sinh trong đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông mang cái phích Trung Quốc ra ngoài đồng, đào hố, ném xuống, lấp đất rồi cứ thế dậm chân lên như lèn cho thật chặt để không bao giờ phải nhìn thấy chiếc phích nữa; vừa dậm chân, ông vừa gào to: “Tao chôn chúng mày xuống đất. Tao đời đời kiếp kiếp nguyền rủa chúng mày’’. Mấy ngày sau người em làm cán bộ ngoại giao về thăm, ông nói với người em nếu không chôn hết những gì của Trung Quốc có trong nhà thì ông sẽ từ mặt người em và không bao giờ cho đặt chân vào ngôi nhà của tổ tiên, ông bà mà ông đang trông giữ. Từ đó, người ta ít thấy em của ông về làng. Qua câu chuyện, ông C có một số sai lầm sau:

Trước hết, ông C đã cực tả. Bản thân ta quý, đồ vật không quý bằng, nên thường có câu “một đời ta, 3 đời nó”. Phích là một đồ dùng phục vụ cuộc sống con người hàng ngày, phải cho nó hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ thì cuộc sống mới được nâng cao; đồng thời, giá trị của vật dụng, hàng hóa có độ khấu hao theo thời gian, nên càng dùng nhiều, càng hiệu quả. Tuy nhiên, ông C làm sai lệnh vai trò của đối tượng; không phát huy công năng của nó mà biến phích thành “vật cưng”, một biểu tượng tinh thần để yêu mến không đúng chỗ, sùng bái, còn tự biến mình thành tôi tớ để phục vụ nó (2 ngày lau 1 lần); đời sống của ông không nâng lên mà vất vả thêm.

Sau đó, ông C lại cực hữu. Sau khi con hy sinh, đáng nhẽ, ông phải sử dụng hết công suất, “bóc lột” tối đa sức lao động của phích để nâng cao cuộc sống của mình. Đằng này, ông chuyển yêu thành thù, mang vứt nó đi, trút hận thù lên một vật vô tri; vứt đi một giá trị mà đáng lẽ ông được hưởng; vứt đi món quà và tình cảm tốt đẹp với người em trai.

Khi ông C cực tả (quá yêu), ông đã bị thiệt hại về vật chất, đến khi cực hữu (quá ghét), ông thiệt hại lớn hơn, cả vật chất lẫn tinh thần. Đây là bài học quý giá về chống tả và chống hữu, tuyệt đối hóa vai trò của đối tượng, ngành, lĩnh vực,… trong quản trị xã hội. Trong hoạt động ngoại giao với các nước, nhất là với hàng xóm, láng giềng, bài học này rất có giá trị. Do đó, không có bạn vĩnh viễn và thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết. Để phát huy tối đa lợi ích đó thì phải xác định rõ đối tượng và đối tác theo từng thời kỳ. Trong quan hệ giữa các quốc gia, không tránh khỏi xung đột lợi ích, nhỏ thì thiệt hại kinh tế, lớn thì chết người. Vấn đề quan trọng là rút ra bài học gì từ xung đột đó để làm lợi cho mình.

Ngày xưa, do thiếu tông tin, nhận thức hạn chế, ông C chỉ hành động theo cảm tính. Nhưng ngày nay, vẫn nhiều đối tượng hô hào trên mạng hay ngoài đời về chống Trung Quốc. Những người có lý trí mà cố tình làm vậy là đang hoạt động chống phá Nhà nước; những người cùng hành động mà xuất phát từ tình cảm cá nhân là rơi vào cực hữu, vô tình tiếp tay cho địch, chỉ làm rối thêm tình hình; đó là hành động thiếu lý trí. Biết đâu, xưa kia, trong số họ đã có người sùng bái đồ Trung Quốc và sùng bái luôn cái đất nước sản xuất ra xe đạp phượng hoàng giống như ông C vậy. Xung đột Việt – Trung tháng 02/1979 là bài học quý giá trong quan hệ ngoại giao láng giềng; không tẩy chay, cũng không sùng bái; làm sao để vừa quan hệ khăng khít, vừa đấu tranh mạnh mẽ; vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, vừa mượn sức mạnh của họ để phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững mới là cái cần suy nghĩ./.