Tre việt - Xung quanh việc
ông Nguyễn Quang Lập, blgogger Quê Choa bị công an bắt hôm 06-12 vừa qua, có
một số ý kiến khác nhau. Việc bắt giữ đó đúng hay sai, khi chưa có kết luận
chính thức của các cơ quan chức năng xin đừng suy diễn theo kiểu “ăn ốc nói
mò”.
Ngày
07/12 trên BBC tiếng Việt đăng bài viết “Vợ Bọ Lập[1] “bất đồng” với Bộ Công an”, ngày 08/12, lại được
trang Ba Sàm đăng lại bài viết này. Qua bài viết thấy một số ý kiến suy diễn theo
kiểu “ăn ốc nói mò”.
Trong bài viết, có chi tiết luật sư Trần Thu Nam nói
với BBC: “Nếu mà nói là bắt quả tang như trường hợp của ông Lập thì tôi nghĩ là
không đúng, là vì ông đang ngồi trong nhà, trong cửa thì có ai chứng kiến về
việc ông ấy phạm một hành vi phạm tội gì không”. Trần Thu Nam nói thế là không thỏa đáng. Bởi
vì, có rất nhiều trường hợp phạm pháp mà người phạm tội ngồi trong nhà đó thôi.
Bọn ăn cắp cước viễn thông quốc tế, bọn ngồi trong nhà từ tổng đài gọi điện cho
một số đối tượng để tống tiền, những người ngồi trong nhà đánh bạc sát phạt lẫn
nhau,… họ không phạm tội chắc? Việc ông Lập ngồi trong nhà đang viết gì với
chiếc máy tính của Ông ta thì chỉ có vợ ông ta nói là viết tiểu thuyết, nhưng
không nói viết tiểu thuyết nào? Tiểu thuyết đó đề cập về nội dung gì? Thì ta
chưa nên nói là ông ta có phạm tội hay không phạm tội. Điều đó cần chờ công tác
giám định, xác minh của các cơ quan chức năng xem ông Lập viết gì? Nội dung của
nó có vi phạm pháp luật không? Mới chỉ có một phía, vợ ông Lập nói là ông ta
viết tiểu thuyết thôi, chưa có chứng thực là ông ta viết tiểu thuyết hay viết
cái gì thì không nên suy diễn, chỉ nghe một tai, dễ võ đoán. Việc công an bắt
giữ ông Lập hẳn phải có căn cứ chứ không thể tùy tiện được. Nhưng căn cứ đó là
gì thì hãy chờ ý kiến chính thức từ các cơ quan chức năng, không nên đưa ý kiến
suy diễn chủ quan vào lúc này.
Bài
viết cũng đề cập đến ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai: “…việc người ta phản
ánh, lên tiếng về các vấn đề của đất nước, đấy là việc làm chính đáng và cần
phải khuyến khích”. Ông Trai viết thế là đúng. Nhà nước ta đã và đang khuyến
khích phát huy dân chủ, nâng cao tính phản biện xã hội của nhân dân đó thôi.
Điều đó ai cũng biết. Ngô Ngọc Trai viết tiếp: “khi nhà nước chưa làm tròn vai
trò, trách nhiệm công cụ của mình thì người ta có quyền lên tiếng, phản ánh về
những cái đó”. Đúng. Nhưng bằng cách nào và ở đâu? Không phải lợi dụng dân chủ
để phát ngôn hay viết không đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Những ý kiến như thế
phải được phản ánh trong tổ chức nhất định, như là Mặt trận Tổ quốc, ở cơ sở là
Ban công tác Mặt trận, chứ không phải cứ viết và đưa lên mạng in-tơ-nét. Bởi ý
kiến của mình chưa hẳn đã đúng, do thiếu thông tin và nhìn phiến diện, như thế
dễ ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ở phạm vi rộng
lớn hơn là tổn thương đến hình ảnh của quốc gia. Do vậy, “khi viết phản ánh thì
cũng phải khách quan, phải nhìn đa diện, chứ đừng xúc phạm hay vu khống, thì đó
lại là vi phạm” đúng như Ngô Ngọc Trai viết. Mà đã vi phạm luật pháp thì phải
bị pháp luật trừng trị, ở đâu và ở nước nào cũng vậy cả.
Cũng sự
việc trên, nhưng Nguyễn Quang A lại có cách nói không thiện chí. Ông ta nói :
“Tôi nghĩ rằng họ không phải là thách thức đâu, mà họ nhổ toẹt vào cái mà họ
nói là nhân quyền của họ,.. Bởi vì chuyện như thế này nó đã xảy ra từ lâu rồi”.
Đúng là hồ đồ. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà Nguyễn Quang A có cách nói dường
như để “hả giận”, cho “sướng miệng” như vậy. Chưa hết, ông ta còn nói một cách
phang mạng rằng: “Cái đấy chứng tỏ một cung cách của người ta hiểu về nhân
quyền là: hiểu về nhân quyền là phải theo kiểu của chính quyền ở đây họ nghĩ
thế nào, thì đấy mới là nhân quyền”. Không thể như Nguyễn Quang A nói, mà nhân
quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam, nó không phụ thuộc
vào ý chí chủ quan của nhà cầm quyền. Nói không căn cứ như thế chẳng khác nào
“gắp lửa bỏ tay người”. Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia các
Công ước quốc tế về nhân quyền, như: “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”
(năm 1948); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”; “Công ước quốc
tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966),... và hiện tại Việt Nam
đang là Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 thì
không thể tùy tiện như Nguyễn Quang A nói: nhân quyền theo cách nghĩ của chính
quyền, nghĩ như thế nào thì nhân quyền như thế ấy được.
Tóm
lại, xung quanh việc ông Nguyễn Quang Lập bị bắt, khi chưa có ý kiến chính thức
xin đừng nói, viết bừa mà hãy để cơ quan chức năng làm việc. Nếu ông Lập vi
phạm pháp luật thì ông ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn ông bị bắt
sai thì cơ quan chức năng phải xin lỗi Ông ta. Hiện chưa có ý kiến chính thức
đừng suy diễn và làm om sòm làm gì, hãy để thời gian và công sức ấy vào làm
việc có ích cho gia đình và xã hội các vị ạ!