Aug 2, 2021

Tinh thần cả nước hướng về Thành phố Hồ Chí Minh

         Tre Việt - Ngày 02/8, trang facebook Việt Tân đăng bài: “Tại sao phải nhường mà không phải là được” của Lê Ánh, xuyên tạc phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi cho rằng: Sài Gòn đương nhiên phải cần được số lượng vaccine nhiều hơn các tỉnh khác. Đó là điều hợp lý, không nhất thiết là ông Phó Thủ tướng Đam lên truyền thông nói, các tỉnh khác nên nhường vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh. Có phải chăng ông Phó Thủ tướng muốn Sài Gòn mang ơn ông nhờ lời đề nghị không nên có?.

Cần khẳng định rằng, đây là luận điệu kích động, xuyên tạc những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, cũng như tinh thần tương thân, tương ái, chung sức của nhân dân cả nước đang hướng về tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh.   

Mới đây, ngày 30/7, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết: “Tôi trực tiếp chứng kiến tận mắt những vất vả của nhân dân và lực lượng chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhận thức sâu sắc nguy cơ tỷ lệ tử vong rất cao nếu chúng ta chậm tiêm vaccine cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để Thành phố Hồ Chí Minh tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng”.

Chúng ta biết rằng, Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng nhân dân trong việc đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng của nhân dân, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển. Mục tiêu của Chiến lược là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên toàn quốc. Để đạt mục tiêu, chúng ta phải có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Đồng thời, đảm bảo mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine. Do nguồn cung vaccine khan hiếm, nước ta lại thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả, nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vaccine. Trong Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, Việt Nam dự kiến tiêm cho khoảng 75 triệu người với trên 150 triệu mũi tiêm vào nửa cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành liên quan trong ngoại giao, chúng ta đã có cam kết được viện trợ, cung ứng trên 100 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay, nước ta đã thực hiện tiêm chủng hơn 6.400.000 liều vaccine, trong đó tiêm 1 mũi là gần 5.800.000, tiêm 2 mũi là gần 700.000. Chính phủ giao Bộ Y tế phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho các địa phương. Hiện nay, lô vaccine nào về, Bộ Y tế cũng đứng trước sức ép ký phân bổ ngay cho các địa phương. Số lượng có hạn, nhưng nhu cầu tiêm vaccine lại rất lớn, địa phương nào cũng mong muốn người dân của địa phương mình được tiêm vaccine. Nhưng trong lúc này, tình hình dịch bệnh tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã khác, khi vaccine chưa có nhiều, ngoài việc dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, bằng sự cảm thông dành cho nhau, các địa phương vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, cần phải nhường một phần vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh - nơi dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp mà không so bì, tính toán.

Vì vậy, phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện nỗ lực và tinh thần của Chính phủ là dành những gì tốt nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh để phòng, chống dịch hiệu quả; cũng như tinh thần hướng về Thành phố Hồ Chí Minh của nhân dân cả nước. Bởi vì, ở thời điểm này từng liều vaccine cực kỳ quý giá sẽ giúp được Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch hiệu quả hơn, cứu được nhiều người hơn khỏi bị nhiễm dịch bệnh và tử vong. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển, lúc đó nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ biết ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước; trong đó, có những đề xuất và chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và linh hoạt của cá nhân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Thế mà Lê Ánh và Việt Tân xuyên tạc./.

 

Tỉnh táo trước “đại dịch” tin giả

          

Ảnh minh họa (internet)

         Tre Việt – Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì đồng thời trên mạng xã hội cũng xuất hiện “đại dịch” khác, đó là “đại dịch” tin giả, tin sai sự thật. Ban đầu chỉ lác đác một số cá nhân tung tin không chính xác về tình hình dịch bệnh ở các địa phương để câu view, câu like, phục vụ mục đích cá nhân. Nhưng từ khi Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam rồi đến Thành phố Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 thì số lượng tin giả, tin sai sự thật càng nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Số lượng tin giả, tin sai sự thật thường tập trung xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật về chủ trương, đường lối, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong cả nước. Đơn cử như: những ngày gần đây có cá nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tung tin giả, cho rằng: “người dân tự thiêu để phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống Covid-19”(!). Hay ngày 30/7 vừa qua, trang facebook Việt Tân đã đăng tin giả về một đại biểu Quốc hội khóa XV là cán bộ Quân đội bị nhiễm Covid-19 trong thời gian tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV tại Hà Nội. Thậm chí chúng còn làm giả mạo báo cáo của cơ quan y tế địa phương về thời gian, lịch trình di chuyển, người tiếp xúc,… nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, chia rẽ mất đoàn kết quân - dân. Tuy nhiên, những tin giả, tin sai sự thật này đã nhanh chóng bị vạch trần, phơi bày trước công luận. Bởi, nguyên nhân chính, sự thật của việc một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh tự thiêu là do người này có tiền sử bị bệnh tâm thần nên đã hành động dại dột chứ không liên quan gì đến việc chống dịch cả. Sau đó kẻ tung tin giả này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra theo quy định của Bộ luật Hình sự. Với tin giả cán bộ Quân đội là đại biểu Quốc hội nhiễm Covid-19, thì ngày 31/7, nhiều tờ báo của Quân đội và các địa phương đã đồng loạt đăng tải thông tin đoàn cán bộ của Quân khu 2, trong đó có vị cán bộ là đại biểu Quốc hội sau khi kết thúc thời gian công tác tại Hà Nội đã trực tiếp đi kiểm tra, làm việc với một số đơn vị trên địa bàn trong trạng thái hoàn toàn bình thường. Điều này, đã bác bỏ toàn bộ những thông tin giả mạo, sai sự thật mà facebook Việt Tân và một số trang mạng xã hội khác đã đăng tải.

Qua những sự việc trên, Tre Việt thấy rằng, đây chính là thời gian mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng để kìm chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, mỗi công dân hãy tuân thủ, chấp hành đúng các quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 và các quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ở trong nhà, làm việc tại nhà, chúng ta hãy tỉnh táo, bình tĩnh, suy xét trước khi tiếp nhận, tuyên truyền, chia sẻ, bình luận trước các thông tin trên mạng xã hội. Và để tăng sức “đề kháng” trước “đại dịch” tin giả, tin sai sự thật, chúng ta hãy tìm đến những nguồn thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống, những nguồn tin đáng tin cậy. Đồng thời, thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng hoặc gọi điện đến số tổng đài 18008108 để tố giác những thông tin giả, tin sai sự thật, góp phần cùng lực lượng tuyến đầu sớm ngăn chặn, đầy lùi dịch Covid-19 ở nước ta./.