Tre Việt - Một trong những giá trị to lớn, có ý nghĩa thời đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga để lại, là mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Giá trị đó tồn tại mãi với thời gian, song cứ đến dịp này hằng năm các thế lực thù định lại tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười. Họ vẫn lợi dụng sự kiện Liên Xô tan rã vào cuối thế kỷ trước để ra sức xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của Cuộc Cách mạng này; qua đó, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các dân tộc. Họ cho rằng: “Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội tại cái nôi của Cách mạng Tháng Mười là tất yếu, chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng”; và do đó, “các dân tộc cần nói “không” với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội” (!).
Song thực tiễn minh chứng: ý nghĩa và giá trị to lớn của Cách mạng
Tháng Mười Nga đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người,
mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên
chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã cổ
vũ hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh
giành độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc, dẫn tới thắng lợi của phong trào giải
phóng dân tộc ở nhiều nước trên các lục địa Á, Phi, Mỹ La-tinh và sự ra đời của
hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong thế kỷ XX.
Tuy nhiên, nói về sự tan rã của Liên Xô, chúng ta coi đó là một tổn thất
to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhưng không phải là tất yếu.
Nguyên nhân chính, trực tiếp, có tính quyết định dẫn đến sự tan rã đó là do những
sai lầm trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản cầm
quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những
nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đúng như V.I. Lênin đã khẳng định: “Không ai có thể tiêu diệt
được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”[1].
Do đó, đây chỉ là sự sụp đổ một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, không đồng
nghĩa với “sự cáo chung của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” như xuyên tạc,
phủ nhận của các thế lực thù địch.
Đối với cách mạng Việt Nam, thực tiễn hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng
đã chứng minh: đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa
chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với
xu thế phát triển của lịch sử. Nhìn lại bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có thể thấy, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời,
con đường giải phóng dân tộc “đen tối như không có đường ra”. Chỉ đến khi Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời, với chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ
địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, nghĩa là đặt cách mạng giải phóng dân
tộc của nhân dân ta trong trào lưu của cách mạng vô sản, thì cách mạng Việt Nam
mới chấm dứt được thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước. Từ đó, “độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội” luôn là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng
Việt Nam. Với đường lối đó, Đảng ta đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, dẫn
dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa đất nước Việt Nam
bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của
Đảng, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc
lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận
nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Đặc biệt, những năm cuối của thế kỷ XX, đứng trước sự khủng hoảng của hệ
thống xã hội chủ nghĩa thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng
đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở kiên định mục
tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, vận dụng sáng tạo chủ
nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc đổi mới theo định hướng xã
hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã đưa cách mạng Việt Nam vượt
qua khủng hoảng, lập nên những thành tựu “to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Từ một
nước phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo
và nhiều hàng nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá
nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng
85% GDP; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Quan hệ
quốc tế của Việt Nam ngày càng được mở rộng; hiện nước ta có quan hệ ngoại giao
với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; đã thiết lập quan hệ Đối tác
chiến lược với 16 nước; Đối tác toàn diện với 11 nước, bao gồm cả 05 nước Thường
trực Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã 02 lần đảm nhận vị trí Ủy viên không thường
trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020 - 2021) và còn đảm
nhận nhiều trọng trách quan trọng trong các tổ chức quốc tế khác, như: Chủ tịch
ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên Hội đồng Nhân quyền thế giới, Ủy viên Ủy ban Luật
pháp Quốc tế và Ủy viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, v.v.
Và vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng. Với những thành
tựu của gần 40 năm đổi mới, có thể tự hào rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có
được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế
như ngày nay”[2].
Đây là kết quả phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta dưới ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Thực tiễn
đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta là
đúng đắn; đồng thời, là minh chứng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị của
Cách mạng Tháng Mười Nga./.