May 13, 2015

VIỆT NAM CÓ ĐẦY ĐỦ CƠ CHẾ ĐỂ THỰC HIỆN DÂN CHỦ

Tre Việt - Ngày 11-5-2015, RFI có bài “Việt Nam cần một khung pháp lý cho tổ chức xã hội dân sự độc lập” của tác giả Anh Vũ. Nội dung bài viết cổ vũ cho hoạt động của cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự độc lập”, kêu gọi Nhà nước Việt Nam thừa nhận và có khung pháp lý cho các “tổ chức” này hoạt động. Nhưng xin thưa, Việt Nam hiện nay có đủ điều kiện và cơ sở pháp lý để mọi người dân, mọi tổ chức, đoàn thể xã hội phát huy, thực hiện quyền làm chủ của mình, mà không cần đến cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” gì đó. Vì:
          Chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng với mục tiêu là xây dựng một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa “cao gấp triệu lần dân chủ tư sản”, như V.I. Lê-nin nói. Đó là một nền dân chủ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội có thể làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Đó là mục tiêu cao cả của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ lịch sử mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.
Điều 6 Hiến pháp năm 2013 đã quy định các cách thức, cụ thể là “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Nguyên tắc này được thể hiện nhất quán trong toàn bộ Hiến pháp, từ chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đến các thiết chế trong bộ máy nhà nước.
Dân chủ trực tiếp, là cách thức người dân trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình mà không phải thông qua bất kỳ cá nhân hay tổ chức đại diện nào. Hiến pháp năm 2013 quy định nhiều nội dung mà Nhân dân có thể thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, cụ thể như: Công dân có quyền biểu tình (Điều 25); Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 27); Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28); Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), v.v.
          Dân chủ đại diện, là cách thức Nhân dân thông qua các cơ quan đại biểu do mình bầu ra và trao quyền, như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện ý chí, nguyện vọng của mình. Cơ quan nhà nước được nhân dân ủy quyền không chỉ là các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn bao gồm cả các cơ quan trong hệ thống hành pháp và tư pháp; các cơ quan này thay mặt nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành, quản lý xã hội và chịu sự giám sát của nhân dân. Tại Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với quy định này đã nhấn mạnh vai trò của Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân và Nhân dân ủy thác quyền lực đó cho Quốc hội. Tại Điều 113 Hiến pháp 2013 quy định “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương…”, với quy định này thì Nhân dân sẽ thông qua Hội đồng nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của mình. Và các cơ quan này, được hình thành từ việc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Còn đối với các cơ quan khác của Nhà nước do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp lập ra, Nhân dân cũng đã gián tiếp ủy thác quyền lực và thông qua những cơ quan này, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Không chỉ có thế, để phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, ngày 18-02-1998, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ, Chính phủ ban hành các nghị định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp nhà nước.
          Với hệ thống luật pháp, hình thức, cách thức đó, thì quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân ngày càng được phát huy đầy đủ, hiệu quả, nhân dân thực hiện tốt việc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi hoạt động ở địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị hành chính, sự nghiệp, v.v. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển đất nước mà không cần phải có các “tổ chức xã hội dân sự” như RFI đề cập./.