Jun 26, 2020

Hậu quả từ cái nhìn một phía



Tre Việt - Ngày 17/6/2020 tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ một sô tín đồ Tin lành thiểu số và đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau ở khu vực Tây Nguyên. Ngày 24/6/2020, VOA tiếng việt cho hay, phía Mỹ gặp 8 người tại Gia Lai, 12 người tại Đăk Lăk; họ hỏi thăm các nhóm Tin lành những khó khăn, tồn tại trong hoạt động tín ngưỡng của các tín đồ chưa được công nhận; khó khăn khi đã cho phép hoạt động; nhất là đối với các tín đồ đã mãn hạn tù vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Đáp lời, ông Y Quy Buon Dap, ở làng Ea Khit, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, một tín đồ Tin lành, tâu rằng: “… từ năm 2018 cho đến nay chúng tôi vẫn còn chịu sự sách nhiễu, đe dọa, đàn áp, bắt bớ từ nhà cầm quyền”.
Từ các tấu trình thất thiệt tương tự thế này mà ngày 10/6/2020, trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận “chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sách nhiễu các tín đồ Tin lành thuộc dân tộc thiểu số,” với việc “các quan chức chính phủ tiếp tục tấn công, theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ một cách tùy tiện và phân biệt đối xử với các tín đồ”, v.v.
Đâu là sự thật? Sau khi có Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 0402/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin lành, tình hình đạo Tin lành ở Tây Nguyên phát triển tích cực. Đến năm 2018, Tây Nguyên có hơn 30 tổ chức, hệ phái đạo Tin lành với 600 nghìn tín đồ, 1.665 điểm nhóm (1.300 điểm nhóm có giấy phép), 300 chi hội, 120 nhà thờ, nhà nguyện, 18 tộc người thiểu số theo đạo, v.v. Nhìn chung, đạo Tin lành ở đây hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân. Hơn 90% tín đồ được sinh hoạt tôn giáo tự do trong các chi hội hay điểm nhóm; nhiều nhà thờ, nhà nguyện được trùng tu, sửa chữa hay xây mới; nhiều mục sư, truyền đạo được thụ phong. Bên cạnh đó,  nhiều tổ chức, hệ phái đạo Tin lành do thiếu nhà thờ nên phải tổ chức sinh hoạt tại những địa điểm ngoài cơ sở thờ tự, nơi công cộng, khách sạn, thậm chí là nhà riêng; việc cơi nới, mở rộng, xây mới nhà thờ, nhà nguyện, mua bán, chuyển nhượng đất đai để xây cơ sở tôn giáo trái phép gây khó khăn cho chính quyền các địa phương trong quản lý xã hội. Hiện nay, có đến 20 tổ chức, hệ phái, với hơn 18 nghìn tín đồ chưa được công nhận, hiện đang “ngoài vòng quản lý” của chính quyền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự xã hội; một số nhóm hoạt động không ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến nhiều vi phạm; một số tổ chức, hệ phái tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau để phát triển tín đồ, mở rộng địa bàn truyền giáo gây nên những bất ổn trong cộng đồng, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các lực lượng xấu thường xuyên tìm mọi cách lợi dụng đạo Tin lành để gây rối xã hội, chống phá cách mạng nước ta với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ năm 2001 đến 2006, chúng kích động người dân tộc thiểu số gây nên hàng chục cuộc biểu tình, bạo loạn ở khắp các địa phương vùng Tây Nguyên với âm mưu thành lập “Nhà nước Đê ga độc lập” và “Tin lành Đê ga”. Gần đây, lực lượng FULRO và “Tin lành Đê ga” có dấu hiệu hoạt động trở lại; tại tỉnh Gia Lai, một số đối tượng thuộc “Tin lành Đê ga” đứng đầu tuyên truyền các tà đạo, như: Hà Mòn, Thanh Hải Vô thượng sư, Bơ khắp Brâu,… gây phức tạp tình hình, tiềm ẩn nguy cơ gây nên các cuộc biểu tình và bạo loạn chính trị.
Do đó, với trách nhiệm quản lý xã hội, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên đang tiếp tục rà soát, thanh lọc, từng bước hợp lý hóa quá trình hoạt động của đạo Tin lành vùng Tây Nguyên. Những lời tâu trình ác ý, sai sự thật như của Y Quy Buon Dap không đại diện cho đồng bào có đạo ở Tây Nguyên./.