1. Trong nền tư pháp Việt Nam không có thuật ngữ “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật, cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Mục đích chính của việc gắn mác trên nhằm biến các đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội thành những “ngọn cờ” đấu tranh cho cái gọi là dân chủ, nhân quyền. Từ đó, hậu thuẫn, kích động các đối tượng chống phá trong nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, v.v. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ xúy, hậu thuẫn, hỗ trợ cho một số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Có thể thấy rằng, “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến” là những cái mác dễ khơi gợi lòng trắc ẩn trong công chúng. Có lẽ đó cũng là lý do ngày càng nhiều đối tượng sau khi vi phạm và bị xử lý theo luật pháp Việt Nam, được các thế lực thù địch dựng lên như những “tù nhân lương tâm”, tiếp tục trở thành công cụ để chúng vu cáo, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Chí Dũng, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Phương Uyên, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Văn Túc, Lê Đình Lượn, v.v. Còn trên thực tế, không có chuyện bắt giam, bỏ tù những người bất đồng chính kiến như luận điệu xuyên tạc của NTT.
2. Việt Nam luôn tôn trọng quyền con người và đối thoại về quyền con người. Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Điều 4, Hiến pháp năm 2013 và pháp luật là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng khẳng định “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”; “lấy nhân dân làm trung tâm” và “mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”. Đảng chủ trương thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” ; mở rộng thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Vì vậy, đối thoại để giải quyết tốt những vấn đề về quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Thực tiễn những năm qua, công tác đối thoại về quyền con người ở Việt Nam đã được thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần bảo đảm quyền con người trên thực tế. Tính đến hết năm 2024, đối thoại nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ 26 lần, Việt Nam - Australia 19 lần, Việt Nam - Thụy Sĩ 17 lần, Việt Nam - Na uy 14 lần, Việt Nam - EU 12 lần, v.v. Theo bảng xếp hạng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report), chỉ số hạnh phúc của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ cao trong những năm gần đây. Vào năm 2021, Việt Nam đứng thứ 79/149 quốc gia; năm 2022 tăng 2 bậc; tăng 12 bậc vào năm 2023. Việt Nam đang đứng thứ 54 vào năm 2024, tăng 11 bậc so với năm 2023. Tuy nhiên, đối thoại về quyền con người ở nước ta đã và đang bị các phần tử, thế lực lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam; kích động chia rẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình”, chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Do vậy, những luận điệu xuyên tạc về việc “Việt Nam thiếu thiện chí trong vấn đề nhân quyền, Việt Nam không thừa nhận có tù nhân lương tâm, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam có xu hướng gia tăng”… là hoàn toàn không đúng sự thật. Bởi vậy, chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác và kiên quyết lên án, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.