Nov 7, 2020

Lời kêu gọi mâu thuẫn

         Tre Việt - Ngày 19/10/2020, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố khoản tài trợ 300 triệu yên (2,84 triệu USD) cho Bộ Công an Việt Nam để giúp “tăng cường các biện pháp chống khủng bố và giữ gìn trật tự công cộng” góp phần ổn định xã hội. Sau đó, ngày 30/10/2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi Chính phủ Nhật nên hủy kế hoạch tài trợ cho Bộ Công an Việt Nam vì cho rằng cơ quan này là “đối tượng chủ chốt vi phạm nhân quyền”(!).


Những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia các điều ước của Liên hợp quốc về chống khủng bố; là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố. Cùng với hợp tác đa phương, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định song phương về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố quốc tế; luôn làm tốt công tác phòng, chống khủng bố đáp ứng các cam kết quốc tế và sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về vấn đề này, như: tháng 11/2019, Bộ Công an cử đoàn đại biểu cấp cao dự hội nghị về phòng, chống tài trợ khủng bố tại thành phố Melbourne, Úc; ngày 06/8/2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tham dự phiên thảo luận mở trực tuyến của Liên hợp quốc về chủ đề “Giải quyết mối liên hệ giữa khủng bố và tội phạm có tổ chức”, v.v. Qua đó, thông báo với quốc tế về sự nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kinh tế, tài chính nhằm giảm thiểu nguy cơ tài trợ cho khủng bố, phòng chống các loại hình tội phạm có tổ chức; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên để chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước, nhất là các nước đang phát triển trong trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng pháp luật, năng lực đấu tranh và các vấn đề tư pháp trong chống khủng bố và tội phạm có tổ chức; đặc biệt là về quản lý biên giới, quản lý tội phạm ma túy, chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản là thành viên khối APEC (gồm 17 nước). Khối thống nhất thành lập nhóm công tác về chống khủng bố giúp các nước thành viên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế, pháp lý, tài chính,… tạo tiền đề xây dựng, củng cố môi trường ổn định thực hiện các mục tiêu chung về phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy, Nhật Bản giúp Việt Nam trong lĩnh vực này là đang thực hiện đúng các cam kết quốc tế.

Liên quan đến nhân quyền, khủng bố là hành vi, lời đe dọa; hành động tổ chức, lập kế hoạch; các hoạt động ngược lại lợi ích chung của một cộng đồng,… tạo ra sự khiếp sợ, tâm lý hoang mang lớn cho cộng đồng. Đây là hành động ảnh hưởng, thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, xã hội; là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Do đó, chống khủng bố là hoạt động bảo vệ nhân quyền có tính phổ quát quốc tế mà Mỹ, các nước lớn khác cùng Liên hợp quốc khỏi xướng và luôn coi trọng. Để thực hiện hiệu quả rất cần có nhân lực, trang thiết bị hiện đại để nghiên cứu, phát hiện các hoạt động khủng bố, hỗ trợ khủng bố, như: quy luật hoạt động; đối tượng tuyển dụng; quy trình huấn luyện; vũ khí trang bị,… của bọn khủng bố. Từ đó, xây dựng đối sách; tổ chức, lực lượng; mua sắm vũ khí, trang bị,… để ngăn chặn và trấn áp khủng bố; cần nguồn kinh phí và sự giúp đỡ to lớn từ quốc tế.

Cùng với đó, trật tự công cộng góp phần không nhỏ trong ổn định đời sống chính trị xã hội, giúp nhân dân thực thi quyền làm chủ, đề cao quyền con người. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam xuất hiện nhiều loại tội phạm với nhiều hình thức hoạt động khác nhau, như: trên không gian mạng (giang hồ mạng); trên đường phố, nơi tập trung đông người (đánh nhau tập thể giữa các băng nhóm có sử dụng hung khí); tụ tập đua xe gây mất trật tự công cộng, v.v. Do đó, để có thể kịp thời phát hiện, trấn áp và xử lý, cần có hệ thống máy tính, phần mềm quản lý con người; giám sát mạng; lắp đặt camera an ninh rộng khắp và nhiều phương tiện hiện đại khác. Và, rất cần đến kinh phí.

Vì vậy, HRW kêu gọi Nhật Bản không tài trợ kinh phí cho Việt Nam để bảo đảm nhân quyền với lý do mà họ đưa ra là để tăng nhân quyền là lời kêu gọi đầy mâu thuẫn./.