Sep 20, 2017

Càng già càng lẩm cẩm

Tre Việt - Ngày 02-9-2017, PGS,TS. Tương Lai lên tiếng từ bỏ Đảng tịch của mình. Có rất nhiều người ngỡ ngàng vì quyết định của nhân sỹ trí thức này, nhưng xét cho cùng, đây là kết cục của một chuỗi những hoạt động lẩm cẩm mà Ông đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Ông Tương Lai, tên thật là Nguyễn Phước Tương, sinh năm 1936 tại Thừa Thiên - Huế, là một nhà nghiên cứu xã hội học, văn hóa, hiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng là lãnh đạo Viện Xã hội học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học, thành viên nhóm tư vấn cho các thủ tướng: Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Ông có nhiều sản phẩm nghiên cứu, báo chí được trao giải thưởng Nhà nước.

Rất đáng tiếc những điều tốt đẹp trên khi nghỉ hưu, Ông lại không phát huy được! Có lẽ do tuổi tác, Ông già nên lẩm cẩm chăng? Chẳng thế mà, Ông có nhiều phát biểu và bài viết thể hiện sự bất đồng chính kiến với Đảng, Nhà nước. Theo đó, ngày 28-2-2013, Ông đã gửi thư ngỏ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thư có nội dung quy chụp cho lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước ta yếu về bản lĩnh chính trị, thiếu đạo đức trong các hoạt động đối ngoại, đối nội. Trước đó, ông cùng 72 người khác gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một kiến nghị gồm 7 vấn đề; trong đó, nổi bật là kiến nghị đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp và đòi tổ chức Nhà nước theo kiểu "Tam quyền phân lập", v.v.
Lẩm cẩm hơn nữa, ngày 16-7-2017, Ông đã làm lễ tưởng niệm Liêu Hiểu Ba (một tù nhân đã chết ở Trung Quốc) tại nhà riêng của mình. Hành động khóc một tên tù ngoại quốc này theo Ông là để cổ súy cho cái gọi là "đấu tranh đòi dân chủ, tự do và nhân quyền". Lúc này, những người mà Ông tri ân không phải là những chiến sĩ, đảng viên đã đổ mồ hôi xương máu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mà là những nhà "dân chủ", như: Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm, v.v. Có lẽ trong tư tưởng, Ông rất thích tù nhân chính trị?
Trong con người Ông chứa đầy mâu thuẫn, tuy tự tuyên bố bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng lại tự xưng mình là đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam để tiếp tục đấu tranh làm cho "Đảng trong sạch trở lại". Ông còn đòi thực hiện những nội dung ghi trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946. Không biết Ông có nhớ rằng, trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, Đảng ta đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng nước ta, nhưng bản chất thì không thay đổi; nước Việt Nam từ sau Quốc khánh năm 1945 đã trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, đã phải sửa đổi Hiến pháp một số lần cho phù hợp với thực tế khách quan. Có lẽ Ông là người hoài cổ? thích kéo lùi lịch sử? hay là thích xây dựng một cái gì đó cho riêng mình? 
Những điều trên cho thấy, Ông đã nói và viết trái với cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng; tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng; viết bài quy kết tội danh cho lãnh đạo cấp cao, v.v. Những việc làm đó cho thấy, Ông đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, có biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị.

Đúng như lời Ông nói, những gì đã cũ, hư hỏng thì cần lật nhào, hủy bỏ cho phù hợp với quy luật khách quan. Cũng như bản thân Ông, đã quá lỗi thời lạc hậu, đã suy thoái nghiêm trọng không còn khả năng sửa chữa khuyết điểm. Đảng nên loại bỏ Ông./.

Lưỡi không xương!

Tre Việt - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của Đề án là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước. Đây là bước tiến mới trong giáo dục của Việt Nam để hội nhập, phát triển và cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh hành động vì quyền con người.

Thế mà, một số phần tử phản động, cơ hội chính trị lưu vong tại nước ngoài lại viết bài xuyên tạc về việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam. Họ cho rằng “Một chế độ,... chuyên vi phạm nhân quyền, nay lại dám đề ra việc giảng dạy nhân quyền có hệ thống, liệu có đáng tin hay không?”. Đúng là giọng điệu của những kẻ “lưỡi không xương”.
Thứ nhất, muốn bảo đảm quyền con người thì phải nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, lực lượng và của chính bản thân mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Trên cơ sở đó để một mặt, thực hiện quyền của mình cho đúng pháp luật về quyền con người; mặt khác, giám sát việc thực thi quyền con người của các cấp chính quyền. Rõ ràng đây là bước tiến. Không trang bị kiến thức về quyền con người thì họ lại cho rằng, Việt Nam thực hiện “ngu dân để trị”, khi trang bị kiến thức cần thiết ấy thì chúng lại tỏ thái độ dè bửu, chê bai. Thế không phải là những kẻ “lưỡi không xương” sao?
Thứ hai, quyền con người ở Việt Nam ngày càng tiến bộ là nhận xét khách quan của các tổ chức quốc tế. Thực vậy, ngày 18-5-2016, Cựu nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega, nguyên là Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã ra tuyên bố báo chí khẳng định sự ủng hộ đối với Việt Nam, trong đó nêu rõ “Việt Nam đã đạt nhiều thành quả về nhân quyền, bao gồm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo và quyền của tù nhân”. Ông Eni Faleomavaega còn cho rằng, một số nghị sĩ trong Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ tiếp tục tổ chức các cuộc điều trần thường niên phản ánh một cách không công bằng về Việt Nam. Những thông tin đó là không chính xác và được một số nghị sĩ này sử dụng với động cơ chính trị nhằm gây bất ổn ở Việt Nam.
Hồi tháng 2 năm 2017, Đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu (DROI) do ông Panzeri, Trưởng tiểu ban dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông Panzeri đã đánh giá cao và cho rằng “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về kinh tế và xã hội, bắt đầu quá trình thúc đẩy các quyền kinh tế và xã hội, tuy nhiên chúng tôi tin rằng để thành công trong phát triển kinh tế bền vững, việc tổ chức các thảo luận về các lĩnh vực chính sách, bao gồm các quyền chính trị, các quyền tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo hay tín ngưỡng là vô cùng quan trọng”.
Và thực tế không thể phủ nhận là: Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 68) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014 -2016 với số phiếu cao nhất trong 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền.

Điều này, đánh dấu sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực thực thi quyền con người của Việt Nam. Đây là bằng chứng, sự thật trả lời cho câu hỏi “liệu có đáng tin hay không?”; đồng thời, làm cho những cái “lưỡi không xương” bớt đường lắt léo./.