Tre Việt – Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước đạt hiệu quả, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Bởi, Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã nói được, làm được”, “đã kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên đã bắt được nhiều sâu mọt hại nước, hại dân”, “đã chặt các cành sâu mọt để cứu cây”, “kỷ luật vài người để cứu muôn người” và thừa nhận cuộc chiến đấu trong thời bình, chống “giặc nội xâm” đã diễn ra đúng định hướng chính trị; thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; “các đơn thuốc đã phát huy tốt tác dụng, cơ thể Đảng khỏe mạnh dần lên”. Thế nhưng, đó đây vẫn còn không ít người dân băn khoăn, lo ngại vì không ít cán bộ diện Trung ương quản lý đã vướng vào lao lý, tham nhũng, tiêu cực; đã có hàng chục cán bộ bị bắt vì dính líu vào Vụ án Việt Á và Chuyến bay giải cứu, v.v. Có ý kiến nghi ngại rằng trong đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương liệu có còn ai “bị phát hiện và bị truy tố, bị thi hành kỷ luật nữa không”, “có bao nhiêu vụ án sẽ xử lý trong thời gian tới”, “nếu tiếp tục kỷ luật nhiều cán bộ thì sẽ mất ổn định chính trị”, “cán bộ các cấp sẽ không dám làm việc vì sợ khuyết điểm”, v.v. Từ đó, suy diễn rằng, “công tác nhân sự của Đảng từ Đại hội XII đến nay có nhiều vấn đề cần xem lại, nhất là khâu tuyển chọn cán bộ”.
Sự suy
diễn sai trái trên là “mảnh đất mầu mỡ để cỏ dại mọc”, các thế lực thù địch, phản
động, cơ hội chính trị lợi dụng tình hình này tăng cường xuyên tạc, chống phá
Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chúng tiếp tục “mượn gió bẻ măng”, “té nước theo
mưa”, đẩy mạnh “sản xuất”, “chế biến tin giả”, sử dụng mạng xã hội để tán phát
thông tin xấu, độc nhằm châm chích, kích động, xúi giục những phần tử bất mãn
có thái độ, hành vi “phản ứng”, chống lại Đảng, Nhà nước và chính quyền các
cấp. Thậm chí có phần tử cơ hội tỏ rõ quan điểm, thái độ, hành vi sai trái, phủ
nhận chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; tung ra các chiêu trò đòi“đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập”, “tự do, dân chủ, nhân quyền”; xuyên tạc thành quả
đổi mới, bôi nhọ danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc
hội, Chính phủ.
Do cách nhìn siêu hình, không ít
người dân “nghe đài địch”, đã học đòi, bắt chước, theo đuôi kẻ xấu, hùa theo
các trào lưu “phi chính trị”, “phi đảng phái”, kích hoạt các hoạt động đòi xây
dựng “xã hội dân sự”, kích thích sự phát triển của chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa
bảo hộ ở phương Tây,… với mưu đồ tìm “giải pháp thay đổi chế độ đảng độc quyền,
toàn trị của tập đoàn Hà Nội”.
Những suy
nghĩ lệch lạc, sai trái về các sự kiện chính trị – xã hội đã xảy ra có thể là
vô tình hay hữu ý nhưng chung quy là do thiếu tầm nhìn biện chứng, sự hiểu biết
và mức độ nhận thức có hạn dẫn đến hành động vi phạm quy định phát ngôn. Hiện
thực này đã “nối giáo cho giặc”, bị những kẻ xấu lợi dụng sai trái ấy để thêu
dệt, phao tin, đồn thổi và khuếch đại các hạn chế, khuyết điểm trong phòng,
chống tham nhũng của ta để từ “chuyện bé xé ra to”, gây tâm lý bất an cho xã
hội. Hành vi “đổ thêm dầu vào lửa”, “chọc gậy bánh xe” của chúng
đã gây ra sự nhiễu loạn thông tin, tạo ra các dư luận xã hội thiếu lành mạnh,
dẫn đến việc quy chụp, quy kết, vu khống, buộc tội Đảng, Nhà nước ta “thiếu năng
lực lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới”; làm cho một bộ phận người dân và số
ít cán bộ, đảng viên hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, đã tỏ ra bức xúc, thiếu sự đồng thuận với Đảng, Nhà nước về
những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu trong thời bình, chống “giặc nội
xâm”; đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý vụ án, kỷ luật cán
bộ sai phạm, cũng như việc tổ chức một số phiên họp bất thường, v.v.
Việc suy diễn, ngụy biện rồi quy
kết, phát ngôn thiếu ý thức xây dựng về tình hình chính trị – xã hội, nhất là
những vấn đề có liên quan đến địa phương và Trung ương. Chính sai lầm ấy đã
“châm ngòi nổ”, kích động một số phần tử bất mãn ra mặt đòi Đảng, Nhà nước ta
“phải thay đổi tình trạng hiện tồn”, tìm cách sống mới, xây dựng chế độ xã hội
mới mà theo chúng là tốt hơn, dù chưa hiểu bản chất của nó là gì, “mô tê” ra
sao; mù quáng tin theo chủ nghĩa tư bản.
Ai cũng
biết rằng, bất cứ sự sai trái nào về đạo lý và pháp lý cũng không thể chấp
nhận, đặc biệt là sự sai trái, lệnh lạc về quan điểm chính trị, vi phạm nguyên
tắc sinh hoạt Đảng,
tự biến mình thành kẻ “theo đuôi” bọn xấu, đồng
lõa với bọn cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ,
chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người này đang
“đội lốt cán bộ, đảng viên”, về thực chất, đã thoái hóa, biến chất, suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định về những điều đảng
viên không được làm.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện thời,
phải hết sức đề cao cảnh giác; thận trọng lời nói, phát ngôn. Những cán bộ,
đảng viên nào “nhỡ lời”, đã phát ngôn sai trái, thiếu thận trọng, chưa có ý
thức về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực; tuyên truyền sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, trước hết phải nghiêm túc “tự soi tự sửa”, rút kinh nghiệm
để “tự chỉnh đốn lại mình”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải thực hiện nghiêm
nguyên tắc sinh hoạt đảng “tự phê bình và phê bình”; phải nhận diện rõ sự thật
và có biện pháp giúp đỡ cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng có biểu hiện “hai
mặt” trong lối sống, sinh hoạt Đảng. Đó là trong tổ chức thì công khai phát
ngôn là tuyệt đối tin tưởng và trung thành với Đảng; nói và làm theo nghị quyết
của Đảng, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời, cần xử lý
nghiêm theo pháp luật những chiêu trò “rỉ tai nhau”, tán phát thông tin sai
trái qua “nghe lỏm từ sự phao tin đòn thổi của kẻ xấu”, từ “quán nước vỉa hè”
đến nghe và tin theo “đài, báo địch”, dẫn đến phát ngôn bừa bãi, nói xấu chế độ
từ sự suy diễn, ngụy biện sai lệch./.