Feb 3, 2023

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

          Tre Việt - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam là chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có khả năng đoàn kết “tập hợp”, “lôi kéo” các tầng lớp nhân dân khác đứng lên làm cách mạng; bao giờ Đảng cũng “tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, “trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc”, “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Ngay từ năm 1927 khi còn đang tạo dựng tiền đề để thành lập Đảng, Người đã nhấn mạnh: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thông qua nhiều bài viết, bài nói và hành động cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những điều cốt yếu về xây dựng Đảng.

Đường lối chính trị là vấn đề cốt lõi quyết định sự tồn tại, phát triển và vai trò cầm quyền của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt” và “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đây là cơ sở lý luận, là nền tảng tư tưởng của Đảng, mọi đảng viên đều phải hiểu rõ và làm theo. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ: Nắm vững và thực hiện nguyên tắc này không phải theo cách giáo điều, mà phải vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giữ vững và nêu cao tính cách mạng của giai cấp công nhân, tính kiên cường bất khuất của phong trào yêu nước Việt Nam; luôn bảo đảm tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin về lý luận và trong giải quyết thực tiễn, đồng thời cũng độc lập, sáng tạo để đi tới mục tiêu của cách mạng.

 Xây dựng Đảng vững mạnh dựa trên các nguyên tắc. Trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa “tập trung” và “dân chủ” có mối quan hệ khăng khít với nhau. Dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung; tập trung trên cơ sở dân chủ, theo nguyên tắc “cá nhân phải phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng số nhiều; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; các địa phương phải phục tùng Trung ương”. Từ đó làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến hành thì chỉ như một người”. Người cũng nhấn mạnh nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Bởi, “lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau”.

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng cũng là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhằm tạo ra sức mạnh của Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguồn sức mạnh, là khâu then chốt dẫn đến thành công của cách mạng. Người yêu cầu “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình, theo Người “tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” và “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Sức mạnh của một tổ chức cộng sản và của mỗi đảng viên còn bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Uy tín của Đảng bắt nguồn từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể nhân dân. Việc đề cao ý thức kỷ luật đối với mọi cán bộ, đảng viên làm tăng thêm uy tín của Đảng; ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên có nhiều vi phạm, coi thường kỷ luật của các đoàn thể nhân dân, thì uy tín của Đảng giảm thấp, dẫn tới nhiều nguy cơ cho Đảng.

 Xây dựng Đảng về đạo đức. Đạo đức cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần trách nhiệm với công việc; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó. Người cho rằng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và, người có đạo đức cách mạng thì nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Người khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người yêu cầu: “Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ,…”. Không chỉ đề cao tầm quan trọng của việc nêu gương, Người còn yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, để phát huy cái tốt, sửa đổi khuyết điểm: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Tu dưỡng đạo đức là công việc phải làm bền bỉ suốt đời. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

 Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, đấu tranh vì lợi ích của nhân dân là mục đích hoạt động, là lý do để tồn tại và là lẽ sống của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Theo Người, biểu hiện của “dân là gốc” là tin ở dân, gần dân, kính trọng dân và biết dựa vào dân: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng”; “có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” và “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng sức mạnh của nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ khi có một Đảng cách mạng lãnh đạo. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trở thành sức mạnh vô địch.

Những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa định hướng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay./.

Cuốn sách “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

         Tre Việt - Sáng 02/02, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngay sau đó, lợi dụng sự kiện này, trang facebook Việt Tân đăng status “Thật bất ngờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại sắp ra sách về chống tham nhũng”, với dụng ý xuyên tạc, hạ thấp ý nghĩa, giá trị của Cuốn sách.

Được biết, Cuốn sách có độ dày hơn 600 trang, gần 100 hình ảnh minh họa, được trình bày theo phong cách báo chí, hiện đại, chia thành ba phần: Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, gồm bài viết tổng quan “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!” đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; 04 bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2014, 2018, 2020, 2022; 05 nhóm vấn đề lớn, trọng tâm trong các bài phát biểu kết luận tại 36 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, 14 bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ những năm đầu tiến hành đổi mới đất nước đến nay; 08 bài viết về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có bài được viết từ những năm 70 thế kỷ XX thể hiện sự trăn trở của đồng chí về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đáng chú ý, bên cạnh việc xuất bản sách giấy truyền thống, nhằm góp phần lan tỏa sâu rộng ý nghĩa, nội dung sách, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật cũng xuất bản bản điện tử cuốn sách, cung cấp cho bạn đọc miễn phí trên trang stbook.vn.

         Những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong Cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nội dung cuốn sách mang thông điệp rất quan trọng, đó là: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cùng với chống là xây, cùng với “đẩy lùi” là “ngăn chặn” từ sớm, từ xa, cùng với xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc là phòng ngừa, giáo dục. Cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày thêm trong sạch, vững mạnh. Cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, việc xuất bản Cuốn sách đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023) để tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và nhân dân là việc làm bình thường của các cơ quan chức năng. Thế  mà Việt Tân lại cố tình xuyên tạc. Điều này càng làm cho mọi người cho thấy rõ bộ mặt “trơ trẽn” và bản chất phản động của Việt Tân./.  

       

“Trò” thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

         


          Tre Việt - “Kiểm soát, đàn áp tôn giáo là một chủ trương, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam bao năm qua” là nội dung xuyên tạc, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam đăng trong bài: “Tình trạng đàn áp tôn giáo Việt Nam được đưa đến Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023” trên trang facebook Việt Nam Thời Báo ngày 01/2 cần lên án, bác bỏ. Bởi:

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định vai trò, vị trí của  tôn giáo trong tiến trình phát triển của dân tộc là một tất yếu, chiến lược quan trọng, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, những năm qua, luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách cũng như xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác tôn giáo. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đồng bào theo các tôn giáo tham gia xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, sồng tốt đời, đẹp đạo. Nhờ vậy, đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước ngày càng phát triển; cả nước hiện nay, có 16 tôn giáo với 43 hệ phái đã được Nhà nước công nhận, cấp phép, đang hoạt động với gần 27 triệu tín đồ cùng hàng trăm nghìn chức sắc, chức việc tôn giáo. Phần lớn trong số họ đều là những công dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ sở, xây dựng cuộc sống âm no, hạnh phúc. Đây là thực tế không thể phủ nhận và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Vì thế, cả tiêu đề và nội dung bài viết đăng trên trang facebook Việt Nam Thời Báo như trên đều là những thông tin phiến diện, sai lệch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

 Tuy nhiên, do có những khác biệt về nhận thức, do lịch sử để lại,… nên vần đề tôn giáo luôn tiềm ẩn những phức tạp, nhạy cảm,… dễ bị những phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng, xúi giục, kích động, làm phức tạp hóa vấn đề, dẫn đến quá trình giải quyết của chính quyền địa phương ở một số nơi còn lúng túng, khó khăn, kéo dài. Đơn cử như một số vụ việc xảy ra tại Đồng Dinh, Đồng Chiêm, Thái Hà, Đông Yên, Thủ Thiêm,…. đã bị phần tử xấu, các thế lực thù địch xuyên tạc, quy chụp đó là các vụ “đàn áp” hoặc “cướp đất” đối với tôn giáo. Cần khẳng định rõ: đây là điều hoàn toàn phi lý. Bởi, thực chất đây là các vụ việc cố tình vi phạm pháp luật, nhưng phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng dưới chiêu bài “tự do” tôn giáo gắn với vấn đề về đất đai, môi trường,… nhằm chống phá, xuyên tạc đường lối, chính sách công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, hòng quốc tế hóa, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế đối với vấn đề tôn giáo để can thiệp, gây sức ép đối với Việt Nam.

Song với đường lối, chủ trương, chính sách nhất quán, minh bạch về công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta cùng bức tranh sinh động về hoạt động tôn giáo đang diễn ra là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo tại Việt Nam./.