Aug 22, 2017

Định Kiến

Tre Việt - Bạn Minh Quân gửi đến Tre Việt bài viết Định kiến tỏ sự đồng tình với bài “Bản phúc trình mới, nội dung cũ” của Tre Việt đăng ngày 17-8-2017. Xin giới thiệu với bạn đọc và cảm ơn bạn Minh Quân.

ĐỊNH KIẾN

                                                                           Minh Quân

Việt Nam là một nước đa tôn giáo, với sự hiện diện, hoạt động của nhiều tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. Mặc dù nguồn gốc hình thành khác nhau, từ nội tại nhu cầu văn hóa tâm linh của đất nước hay du nhập từ nước ngoài bằng những con đường khác nhau, nhưng cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam đều luôn đoàn kết, thực hiện mục tiêu sống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, phục vụ lợi ích của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đặc sắc; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hiện nay, ở Việt Nam, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống luật pháp và bảo đảm trên thực tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến đầu năm 2017, Việt Nam có 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động, với 25 triệu tín đồ, 53 nghìn chức sắc, hơn 133 nghìn chức việc, 2 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo ở Việt Nam đã có hệ thống đào tạo quy mô từ đại học, cao đẳng, trung cấp và hệ thống báo, tạp chí, nhà xuất bản, bản tin riêng phù hợp với từng tôn giáo. Đặc biệt, không chỉ được tạo điều kiện cho hoạt động trong nước, việc mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế của các tôn giáo cũng được Nhà nước hết sức quan tâm tạo điều kiện thuận lợi. Điều đó được các tín đồ tôn giáo và nhân dân trong nước cũng như cộng động quốc tế đánh giá cao.

Nhân đây cũng nói thêm rằng, bên cạnh đại đa số những tín đồ tôn giáo chân chính luôn phấn đấu để “sống tốt đời đẹp đạo”, “nước vinh, đạo sáng”,.. thì không ít kẻ núp bóng tôn giáo có những hành vi gây mất trật tư, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật, thậm chí mưu đồ chống đối chế độ, chống đối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành của Nhà nước Việt Nam. Trong số này, có những chức sắc, chức việc tôn giáo. Điển hình như, trong đạo Phật, có “hòa thượng” Thích Không Tánh, chống đối quyết liệt việc Nhà nước giải tỏa khu “chùa” Liên Trì để lấy đất phục vụ cho lợi ích của công đồng, sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. “Hòa thượng” này cho rằng Chùa Liên Trì là cơ sở của Phật giáo, nhưng thực chất đây chỉ là khu đất thờ tự, do họ tự xây dựng trái phép, không phải là cơ sở thờ tự được các cấp có thẩm quyền cấp phép cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng cơ sở thờ tự. Mặc dù đã nhiều lần được cơ quan chức năng giải thích rõ, làm như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng Thích Không Tánh cố tình không chấp hành, khi bị tiến hành giải tỏa thì cố tình dựng chuyện để “tố cáo chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Hành động đó đã đi ngược lại giáo lý của đạo Phật, vi phạm pháp luật. Trong Công giáo, có: Nguyễn Thái Hợp, Trần Đình Lai, Phan Văn Lợi, Đặng Hữu Mai,… những kẻ đã sử dụng “quyền năng” chức sắc tôn giáo để trực tiếp xuyên tạc tình hình ô nhiễm môi trường biển ở 04 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Công ty Formosa gây ra và chính sách hỗ trợ nhân dân trên địa bàn của Nhà nước; xúi giục, tổ chức, buộc bà con giáo dân, các em học sinh,… thuộc giáo phận Vinh, giáo xứ Phú Yên, giáo xứ Đồng Yên, giáo xứ Yên Lạc,… bỏ việc làm, học hành, tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Họ còn bày trò “hiệp thông” kêu gọi bà con giáo dân ở các giáo phận khác trên cả nước “đứng lên đấu tranh” chống lại chính quyền. Không chỉ vậy, các chủ chăn này còn biến “thánh đường”, “thánh thất” trở thành nơi giáo dưỡng tư tưởng tôn giáo cực đoan, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tổ chức xây dựng lực lượng, liên kết với các cá nhân, tổ chức phản động để nối giáo cho các thế lực chống cộng bên ngoài chống phá sự phát triển bền vững của đất nước.
Những hành động đó là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các tín đồ, tổ chức tôn giáo và đã bị nhân dân lên án, Nhà nước trừng trị trước pháp luật một cách nghiêm minh.

Thực tế hiển nhiên này ai cũng thấy, chỉ có Bộ Ngoại giao Mỹ “không thấy”, do họ vẫn giữ thái độ định kiến về tình hình tôn giáo ở Việt Nam./.