Mar 14, 2014

Kẻ thù của internet lại như thế sao?

        Tre Việt  - Ngày 12-3-2014, VOA tiếng Việt lại đưa tin: Hôm 11 tháng 3, Tổ chức Ký giả không Biên giới (RSF) công bố báo cáo thường niên “Kẻ thù của internet năm 2014” tập trung chú ý vào những cơ quan, tổ chức của chính phủ thực hiện việc kiểm duyệt và do thám trên Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam là một trong những cơ quan được RSF đưa ra báo cáo cụ thể về việc theo dõi và kiểm duyệt nhà báo, blogger và những người cung cấp thông tin khác.
         RSF nói Chính phủ Việt Nam “trấn áp không thương tiếc” những người bất đồng chính kiến trên mạng bằng chính sách kiểm duyệt. RSF nhận xét như vậy là không có căn căn cứ.
        Trước hết, RSF cố tình hiểu sai lệch văn bản pháp lý quốc tế để vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận. RSF vin cớ Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm” để biện hộ cho lý lẽ về tự do ngôn luận. Nhưng Điều 29 của bản Tuyên ngôn trên lại quy định: “Mọi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ. Khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền tự do của người khác cũng như đáp ứng những nhu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong xã hội dân chủ”. Như vậy, Tuyên ngôn Nhân quyền quy định rõ quyền tự do ngôn luận của mọi người, nhưng khi thực hiện quyền tự do của mình phải chịu những hạn chế do luật định. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng quy định rõ việc thực hiện quyền tự do báo chí, ngôn luận,… phải đi kèm nghĩa vụ, trách nhiệm, phải chịu một số hạn chế nhất định để “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, hoặc đạo đức của xã hội”. Qua đó cho thấy, các quy định pháp lý quốc tế một mặt thừa nhận quyền tự do dân chủ; mặt khác, cũng quy định các quyền tự do cũng có giới hạn do luật định mỗi nước quy định. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Do vậy, Việt Nam có các văn bản luật quy định về việc sử dụng internet, như Nghị định 72 thì có gì sai với văn bản pháp lý quốc tế và Hiến pháp Việt Nam.
Đồng bào dân tộc thiểu số truy cập internet (Nguồn: Internet)
        Thứ hai, thực tiễn internet phát triển sinh động ở Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc sai trái của RSF đối với Việt Nam. Tính đến hết năm 2013, Việt Nam có 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử, gần 3 triệu người có blog, có 30,8 triệu người sử dụng internet (năm 2010 là 26 triệu), chiếm 34% dân số (trung bình của thế giới là 33%), đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 8 tại châu Á[1]. Ấy là chưa kể các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại truy cập internet không dây, như: các loại máy tính xách tay, máy tính bảng, hệ thống USB 3G, máy điện thoại thế hệ mới rất phổ biến ở Việt Nam,… Với sự ra đời của VNSAT 1, hầu khắp lãnh thổ Việt Nam đều có thể truy cập được internet một cách dễ dàng bằng các phương tiện kết nối có dây và không cần dây. Đó là những con số biết nói, cho thấy cáo buộc của RSF rằng, Việt Nam hạn chế phát triển internet là hoàn toàn sai trái.
        Như vậy, cả về phương diện pháp lý quốc tế, Việt Nam và thực tiễn phát triển internet của Việt Nam cho thấy, RSF là tổ chức làm việc rất thiếu trách nhiệm, đưa ra nhận xét về phát triển internet của Việt Nam không có căn cứ. Thật đáng tiếc!




[1] Theo xếp hạng năm 2012 của Liên minh viễn thông quốc tế ITU.