Mar 22, 2022

Đất nước, con người Việt Nam đang rất hạnh phúc

            Tre Việt – Ngày 18/3, trang facebook Đài Á châu tự do (RFA) đăng bài: “Tản mạn về hạnh phúc tại Việt Nam nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3” của Thanh Trúc, trong bài viết, họ xuyên tạc: “Việt Nam có hạnh phúc nhưng là thứ hạnh phúc tưởng tượng và rất kêu trên giấy tờ… Quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đi kèm Độc lập - Tự do - Hạnh phúc đều là biểu tượng dối trá”.

Cần khẳng định: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc luôn là mục tiêu và sự lựa chọn của các quốc gia, dân tộc. Trải qua các cuộc kháng chiến giành, giữ và bảo vệ đất nước trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hiểu rõ giá trị của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Vì vậy, dân tộc Việt Nam lựa chọn Độc lập - Tự do - Hạnh phúc gắn liền với Quốc hiệu, gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan và là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã chứng minh: từ một nước bị thống trị, không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã trở thành quốc gia độc lập, người dân được tự do, làm chủ vận mệnh của dân tộc mình và được hưởng hạnh phúc. Điều đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm sáng về phát triển con người, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, tiến bộ và công bằng xã hội, v.v. 

Chỉ số hạnh phúc hành tinh được chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh điều tra, công bố, thì từ bảng xếp hạng năm 2006, Việt Nam đứng ở vị trí số 12 trên thế giới - cao nhất châu Á. Còn, kết quả xếp hạng trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới được biên soạn hàng năm bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố, Việt Nam nhiều lần đạt chuẩn quốc gia hạnh phúc. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng và lần đầu tiên lọt vào top 10 quốc gia tốt nhất cho những người nước ngoài sống và làm việc, theo báo cáo HSBC Expat 2019 được HSBC công bố. Đến năm 2021, đã tăng hạng từ thứ 83 lên 79. Đồng thời, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới. Các chỉ số thành phần cũng có bước cải thiện đáng kể, đơn cử như chỉ số sức khỏe tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,826 năm 2020. Chỉ số giáo dục tăng tương ứng từ 0,618 lên 0,640 và chỉ số thu nhập tăng tương ứng từ 0,624 lên 0,664. Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ca ngợi: Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn và nhanh hơn trong giai đoạn tới. Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam thì nhận định: các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Việt Nam cũng được đánh giá cao về dịch vụ công, năm 2020, nước ta đã có 09 bác sĩ và 28 giường bệnh trên một vạn dân; 91% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 03 lần trong hơn 35 năm qua. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2020). Theo Báo cáo cập nhật tháng 4/2021 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam là 73 - cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000) và trung học cơ sở (năm 2010); 95% người lớn biết đọc, biết viết; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tiện nghi sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện với 91,9% hộ có sử dụng ti vi; 91,7% hộ có sử dụng điện thoại (cố định, di động) hoặc máy tính bảng; 30,7% hộ có sử dụng máy vi tính (gồm máy để bàn, laptop). Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới, có khoảng 70% dân số sử dụng internet. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước); người nghèo và trẻ em dưới 06 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, v.v.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do, như: ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Thực tiễn sinh động trên, tự nó bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của RFA và Thanh Trúc. Đồng thời, là minh chứng khẳng định: đất nước, con người Việt Nam đang rất hạnh phúc. Mọi người dân Việt Nam cần tin tưởng vào đường lối, chính sách bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc về bảo đảm độc lập, tự do, hạnh phúc ở Việt Nam./.