Sep 30, 2020

Ghê chưa?

           Tre Việt - Ngày 29/9, trên trang faceboock Tiếng Dân có bài: “Tôi chọc ngoáy Hội Triết học VN và xin làm trợ thủ cho bác Nguyễn Đình Cống” của Trần Đắng. Theo như anh ta tự giới thiệu là “ở miền Trung VN, nam, tuổi trung niên, lớn lên trong thời bao cấp” và “15 tuổi tôi đã đọc, hiểu hết triết học Mác - Lênin”. Gớm chưa! Mới 15 tuổi mà đã “hiểu hết triết học Mác - Lênin” bằng tự đọc. Đó chẳng phải là “thần đồng” sao! Là “thần đồng” thì nhiều người đã biết đến; nếu không thì chỉ là người hoang tưởng. Trần Đắng không biết thuộc loại nào đây? Với cái tên mới hoắc này và xem cách anh ta lý giải thì Tre Việt nhận thấy, đích thị Trần Đắng là người hoang tưởng.

          Thật vậy, mới 15 tuổi, tự đọc mà “hiểu hết triết học Mác – Lênin”, trong khi những người chuyên nghiên cứu về triết học này phải mất nhiều năm, những người nghiên cứu và giảng dạy triết học Mác – Lênin cũng không dám nhận là “hiểu hết” triết học Mác – Lênin. Không biết Trần Đắng đọc được bao nhiêu sách về triết học Mác – Lênin mà dám nhận là “hiểu hết”. Ghê chưa!

          Hãy xem “hiểu hết triết học Mác – Lênin” của anh ta là như thế nào?

          Trần Đắng dẫn quy luật phủ định cái phủ định của triết học Mác – Lênin, rồi cho rằng: “Ph. Ăng-ghen viết: Lấy ví dụ một hạt lúa. Trong quá trình phát triển của nó, nó biến thành cây lúa. Như vậy cây lúa phủ định hạt lúa. Cây lúa phát triển đến mức cao nhất thì bị phủ định, cho ra hạt lúa trở lại, nhưng trên cơ sở cao hơn là nhiều hạt lúa hơn.

Xã hội loài người cũng vậy. Đầu tiên là chế độ cộng sản nguyên thủy. Phủ định CS nguyên thủy là các chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản. Phủ định chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến & tư bản là chế độ cộng sản trở lại, nhưng trên cơ sở cao hơn là chế độ cộng sản khoa học.

Như vậy, tất yếu, loài người tiến lên xã hội cộng sản khoa học. Con đường phát triển của vạn vật là hình xoáy trôn ốc, là sự vật lặp lại cái cũ nhưng trên cơ sở cao hơn. Quy luật phủ định của phủ định là vậy”. Thế rồi, Trần Đắng “chỉ ra cái sai”: “Hạt lúa có tính di truyền & biến dị, mà biến dị thì đa hướng, có thể cho ra cây lúa còi, hạt lép, cây không chống được sâu bệnh, không chịu hạn, không chịu được gió lớn,... Vậy nói cây lúa càng ngày càng hoàn thiện tức tốt hơn trước là sai.

Coi các video clip ở youtube về thiên văn, vũ trụ, ta thấy vũ trụ rất vô thường, tức đa hướng. Vũ trụ đi theo hướng tốt, hướng đi lên, hướng phát triển hoàn thiện nào nhỉ? Không có! Trái đất ta đang sống, bất cứ đâu & bất cứ khi nào cũng có thể bị động đất làm vợ (chồng) con ta chết, ta bị thương nặng thì “hoàn thiện” à?”

          Vậy hỏi Trần Đắng, từ hạt thóc đến cây lúa không phát triển thì sao dân số trong nước và thế giới ngày càng tăng mà vẫn đảm bảo được cơm ăn cho con người? Trong quá trình phát triển, một số ít cây lúa bị chết vì bệnh, có cây còi cọc,... nhưng đa số cây lúa phát triển, cho con người mùa màng có năng suất tốt. Trái đất không được ngày càng hoàn thiện thì làm sao từ chỗ không có sự sống đến có sự sống đơn bào, đa bào và đến sự phát triển như con người ngày nay? Cứ theo cách Trần Đắng lấy ví dụ, xin hỏi ông: ngày có trước hay đêm có trước? Tương tự như vậy, quả trứng có trước hay con gà có trước?

Từ đó, Trần Đắng võ đoán: “Một nguyên lý trong hai nguyên lý chính (triết học Mác - Lênin) sai, một quy luật chính sai, suy ra triết học Mác - Lênin là triết học sai. Tôi chốt lại kết luận: Vũ trụ, trái đất, sự việc, lịch sử, tư duy của chúng ta KHÔNG PHÁT TRIỂN mà là ĐA HƯỚNG. Tranh luận của CS các ông với tôi chỉ cần quanh câu này thôi”.

Tre Việt không phải là nhà triết học, chỉ biết chút ít về triết học Mác – Lênin, nhưng thấy rằng, đúng là cái “hiểu hết” của Trần Đắng có vấn đề. Ông ta hiểu triết học Mác - Lênin một cách siêu hình, sơ cứng. Xu hướng của mọi sự vật là phát triển, nhưng không phải theo đường thẳng mà quanh co theo hình xoáy ốc, nhắc lại là xoáy ốc chứ không phải “xoáy trôn ốc” như Trần Đắng viết. Vì  “xoáy trôn ốc” thì phải có điểm dừng ở đỉnh trôn ốc. Triết học Mác – Lênin không viết thế. Vòng xoáy ốc to nhỏ khác nhau, không đều nhau phụ thuộc vào sự khó khăn, phức tạp của cái phủ định. Nhưng sự vật, hiện tượng phát triển theo đường xoáy ốc thì không có điểm dừng. Chính vì sự phát triển của sự vật, hiện tượng theo “đa hướng”, nhưng các hướng không đều nhau, tổng hợp của các hướng (các véc tơ lực) tạo thành đường quanh co, với xu hướng là đi lên, phát triển. Vì thế mà không thể quả quyết sự vật, hiện tượng “KHÔNG PHÁT TRIỂN” để phủ nhận triết học Mác – Lênin, rộng ra là phủ nhận lý luận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng./.