Mar 19, 2023

Nói có sách, mách có chứng


          Tre Việt - Lợi dụng việc Việt Nam vừa công bố, phát hành Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, một số trang mạng xã hội đã có nhiều bài viết vu cáo, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở nước ta, đơn cử như trang facebook Việt Tân, ngày 16/3 đăng bài “Thấy gì qua việc Việt Nam công bố sách trắng tôn giáo”.

Trước hết, việc Việt Nam cho công bố, phát hành Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” là nhằm công khai, minh bạch, khẳng định nhất quán lập trường, quan điểm, đường lối, chủ trương về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta với toàn thể các tầng lớp nhân dân ở trong nước, ngoài nước và cộng đồng quốc tế. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa, thể hiện tinh thần Việt Nam luôn tích cực, chủ động, sẵn sàng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, ngay bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người, nhất là Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện bước phát triển mới về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực trong công ước quốc tế về quyền con người. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Sách trắng khẳng định ở Việt Nam các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo hòa bình, bao dung, cùng với tính nhân ái, nhân bản đã tạo ra bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Thứ ba, thực tế ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 04 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Việt Nam hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc tôn giáo với gần 29.700 cơ sở thờ tự. Các hoạt động tôn giáo, như: xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tạo điều kiện. Hiện có 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động. Công tác đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, quan hệ quốc tế,… của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra thuận lợi theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo nhân dân và đóng góp tích cực với đời sống xã hội. Đến nay, có khoảng 67 điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, như: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp, v.v.

Việc Việt Nam công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” không chỉ thể hiện tính nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, mà còn “nói có sách, mách có chứng”, nêu bức tranh sinh động, thuyết phục về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đó là sự thực được công khai, không thể phủ nhận. Vì vậy, Việt Tân cho rằng: tự do tôn giáo ở Việt Nam “chỉ là trên sách vở, trên môi miệng những lời nói của các nhà lãnh đạo,…” là phiến diện, không có cơ sở, cần đấu tranh, lên án, bác bỏ./.