Sep 18, 2022

Luận điệu ấu trĩ, phản động của Chí Quang

           Tre Việt - Lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ ở Việt Nam, Chí Quang đã đăng trên trang Doithoaionline.com bài viết “Bản hùng ca trỗi dậy”, với những luận điệu sai trái, thù địch, bịa đặt, xuyên tạc sự thật về quyền tự do, dân chủ, với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Y đã đưa ra nhận định là: “Từ sau 1945, khi Việt Minh (tiền thân của chế độ cộng sản Việt Nam) cướp được chính quyền cho tới nay, người dân Việt Nam đã bị tước bỏ quyền bầu cử tự nhiên, tự do và tự nguyện để chọn lựa bộ máy lãnh đạo,…”.

Ảnh: nhanvanviet.com

Cần khẳng định rõ: đây là luận điệu hết sức ấu trĩ, sặc mùi phản động của Chí Quang (!)

Bởi, bầu cử là cơ chế phổ biến hiện được các nền dân chủ áp dụng, là cơ sở pháp lý cho việc hình thành các cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước và là cơ sở bảo đảm cho mọi công dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với đất nước. Trong quá trình lịch sử, các cuộc bầu cử dân chủ luôn là hoạt động tiêu biểu, quan trọng nhất trong các hoạt động dân chủ trực tiếp của người dân. Thông qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền công dân, quyền làm chủ của dân được thể hiện đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tham gia bầu cử chính là để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng, đại diện cho quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

          Tại Điều 27, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện được thực hiện việc lựa chọn đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này. Tuy nhiên, không phải mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử mà có những trường hợp công dân đủ 18 tuổi trở lên không được bầu cử.

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, có 4 trường hợp không được bầu cử như sau: (1). Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. (2). Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án. (3). Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo. (4). Người mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đối với những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải đáp ứng được những tiêu chuẩn theo quy định. Các tiêu chuẩn cơ bản đối với ứng viên đó là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, v.v.

          Thực tế cho thấy, 76 năm qua, với 14 khóa bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước luôn thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, lựa chọn được những đại biểu ưu tú tham gia cơ quan quyền lực nhà nước để bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng, đưa đất nước ngày một phát triển. Và, theo số liệu thống kê cả nước đã có 99,57% cử tri đi bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với gần 70 triệu lá phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; gần 4.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố; hơn hai vạn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; và hơn 24 vạn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường.

          Sự thực hiển nhiên trên bác bỏ những vấn đề nêu ra trong bài viết của Chí Quang. Đồng thời, chỉ rõ sự ấu trĩ và dã tâm thâm độc của Y lợi dụng “tự do”, “dân chủ” để xuyên tạc, hòng gây hoang mang, dao động về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; cần đấu tranh bác bỏ./.