Jun 12, 2022

Việc làm cần thiết để hoạt động tôn giáo ở Việt Nam được bảo đảm tốt hơn

       Tre Việt - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo, hoàn thiện các dự thảo Nghị định; xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị định.

Lợi dụng sự việc này, ngày 07/6/2022, trang facebook Việt Tân đăng tài bài viết: “Chính quyền Việt Nam ra Dự thảo mới nhằm tăng cường kiểm soát tôn giáo”, họ cho rằng: “Chính quyền Việt Nam “đang muốn bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo, và muốn các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chỉ được hoạt động theo ý muốn của nhà cầm quyền”, thông qua việc ban hành nghị định mới”. Họ cũng không quên nhắc lại chuyện Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo; đồng thời, còn vu cáo rằng Việt Nam đang đàn áp tôn giáo.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, tín đồ các tôn giáo chiếm 27% dân số, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người là chính sách nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam tiếp tục công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho các tổ chức tôn giáo, nâng tổng số lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được công nhận đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và gắn bó với dân tộc. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo hướng dẫn tín đồ tu tập và thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là công tác hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Đến nay, cả nước có gần 60.000 chức sắc và gần 150.000 chức việc, đáp ứng ngày một tốt nhu cầu tôn giáo của tín đồ. Nhiều hoạt động tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng: Phật giáo 3 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Công giáo tổ chức thành công Năm Thánh 2010, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X; Tin lành tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam, 500 năm cải chánh Tin lành,… thu hút không chỉ chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước mà còn các học giả, chính khách các nước tham gia. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Trong xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, v.v. Đó là minh chứng bác bỏ những luận điệu của Việt Tân lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta

Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, Tre Việt thấy rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Vì vậy, cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định chưa đầy đủ hoặc đang tồn tại của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

Mặt khác, sau 3 năm thi hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, các quy định chi tiết các điều, khoản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác quản lý và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tôn giáo, cộng đồng có tín ngưỡng thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ, cụ thể: Thứ nhất, một số quy định của Nghị định như giải thích về công trình tôn giáo; quy định về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ chưa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cho người dân cũng như gây ra lúng túng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện. Thứ hai, một số quy định tại Luật chưa có biện pháp cụ thể dẫn tới qua trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả trên thực tiễn, gây lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng. Thứ ba, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, một số hình thức hoạt động tôn giáo mới xuất hiện, như: sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến đã phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh và biện pháp để quản lý cho phù hợp. 

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định này là thật sự cần thiết, nhằm bảo đảm hoạt động tôn giáo ở Việt Nam được tốt hơn và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo tốt hơn, không phải “Chính quyền Việt Nam ra Dự thảo mới nhằm kiểm soát tôn giáo” “muốn bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo”, như Việt Tân rêu rao. Luận điệu xuyên tạc, phá hoại đó cần phải lên án và bác bỏ./.