Aug 19, 2024

Họ lại “diễn” những luận điệu cũ rích

          Tre Việt - Trong lúc nhân dân cả nước ta tổ chức kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024) với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, hành động thiết thực, thì trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, nhằm xuyên tạc, phủ nhận sự kiện lịch sử này, cổ súy cho mưu đồ xét lại lịch sử, tạo cớ để chống phá cách mạng nước ta. Nội dung chúng đưa ra không có gì mới, vẫn là những luận điệu cũ rích, rằng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử”! Cách mạng tháng Tám đã “đi ngược xu thế lịch sử”, đó “không phải là cách mạng của nhân dân”, mà chỉ là sự “thay đổi” từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”, v.v. Trước những luận điệu xảo trá này, một lần nữa chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, khoa học về thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cần khẳng định rõ, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng hợp quy luật, phù hợp với xu thế thời đại, xu thế phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Lịch sử minh chứng: sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, giai cấp công nhân trở thành giai cấp trung tâm của thời đại, cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới đã có sự phát triển mới, với diện mạo mới. Và, cách mạng dân tộc dân chủ muốn thành công và đi đến triệt để, nhất thiết phải dựa trên lập trường của giai cấp công nhân, phải đi theo quỹ đạo và là bộ phận hữu cơ của cách mạng vô sản. Một cuộc cách mạng của thời đại mới muốn thắng lợi phải thật sự là một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân đông đảo, được chuẩn bị và lãnh đạo bởi một đảng tiên phong cách mạng[1]. Đó là xu thế khách quan của thời đại !

Đối với Việt Nam lúc này, một con đườngđể cứu nước, cứu dân, trong bối cảnh thời đại mới, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, không thể nào khác là con đường cách mạng vô sản. Lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải dựa vào lực lượng của toàn dân, nòng cốt là liên minh công nông, do đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo; đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ dân tộc (mâu thuẫn địa chủ - nông dân, mâu thuẫn tư sản - vô sản) không tách rời với đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược. Nhân dân Việt Nam quyết đứng lên tự mình giải phóng cho mình, tự mình làm chủ và thay đổi cuộc đời của mình, xóa bỏ mọi xiềng xích phong kiến, thực dân, chứ không phải mong muốn lại rơi vào vòng nô lệ, cứ luẩn quẩn trong vòng bảo hộ của ngoại bang. Cách mạng là tất yếu. Việc làm đó là tất yếu phải làm và phải làm kiên quyết, kịp thời, nhanh chóng và triệt để. Nhiệm vụ giai cấp được biểu hiện ở nhiệm vụ dân tộc; nhiệm vụ dân tộc được giải quyết theo lập trường của giai cấp công nhân. Đó là mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là xu thế của lịch sử dân tộc trong sự phù hợp với xu thế vận động khách quan của thời đại.

Tháng Tám năm 1945, Cách mạng thành công, đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng; nhưng đó mới chỉ là sự mở đầu. Công việc cơ bản, quan trọng của cách mạng là xây dựng chính quyền mới, củng cố và sử dụng chính quyền ấy vào tổ chức, cai quản và xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho quảng đại quần chúng nhân dân. Tính chất phù hợp, triệt để và tiến bộ của Cách mạng tháng Tám thể hiện sâu đậm ở chỗ đó. Nó hoàn toàn không phải là sự “sang tên đổi chủ” từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị” như sự rắp tâm xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nó xóa tan những ảo tưởng về một chính phủ dựa “vào lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản” để “mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu”[2]. Thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân lao động Việt Nam từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột đã đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, giành chính quyền, vươn lên làm chủ, đứng ra tổ chức và cai quản xã hội mới. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế độ Dân chủ Cộng hòa. Đó là cuộc cách mạng không phải thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, mà là cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội.

Thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tiếp tục được củng cố và phát huy trong gần tám thập kỷ qua là cả quãng thời gian lịch sử không ngừng nâng cao và hoàn thiện mệnh đề “dân là chủ” trong xã hội Việt Nam, không ngừng mở rộng quyền làm chủ của nhân dân. Tính chất tiến bộ, sâu sắc của các mệnh đề “của nhân dân”, “do nhân dân” và “vì nhân dân” mà Cách mạng tháng Tám mang tải, thể hiện tập trung ở chỗ đó. Một cuộc cách mạng nhân dân như thế, một sự nghiệp giải phóng sâu sắc và triệt để như thế sao lại là “sai lầm của lịch sử”, là “việc không nên làm” như có những người cố rắp tâm xuyên tạc./.

 

 



[1]- Trường Chinh - Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tập I, Nxb ST, H. 1975, tr. 375.

[2] - Dẫn theo Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 191, tr. 193.