Apr 13, 2015

BBC MỞ MẮT NHÌN CHO RÕ, CĂNG TAI NGHE CHO THẤU


TreViêt - Trong năm 2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi thăm Trung Quốc và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mượn gió bẻ măng, ngày 04/4/2015 (tức thứ Bảy) Đài BBC tiếng Việt có đăng một số tin bình luận cho là của giới phân tích tại Hà Nội và nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, ông Dương Danh Dy nói: nào là “chuyến đi bất ngờ” không có trong kế hoạch; không biết hai bên bàn việc gì; mục đích, động cơ chuyến đi thế nào? Và quan trọng hơn là tại sao lại đi Trung Quốc trước??? Đài BBC tiếng Việt có vẻ đầy hoài nghi!
Thật nực cười! Đây là vấn đề thuộc lĩnh vực đối ngoại của cả một quốc gia đâu phải là chuyện đi chợ mua “mớ rau, con tép” của nhà các “người” mà thích đi lúc nào thì đi? Để chuẩn bị cho một chuyến công du của một vị lãnh đạo cấp cao của một quốc gia dù là nước nhỏ hay một cường quốc cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế và nghi thức ngoại giao của mỗi nước. Trước chuyến đi hai nước đã phải triển khai không ít các cuộc họp ở các cấp để trao đổi, thống nhất nghi thức, thời gian, nội dung, chương trình làm việc…; kể cả chuyện bảo đảm hậu cần, an ninh cho Đoàn.
Và sự thật đã rõ, Đoàn cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đẫn đầu đã chính thức sang thăm Trung Quốc từ ngày 07/4 đến 10/4/2015. Chuyến thăm của Đoàn được Đảng Cộng sản, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đón tiếp nồng nhiệt, với nghi thức cao nhất của quốc gia. Có thể nói nghi thức đón Đoàn diễn ra hết sức hoành tráng và trang nghiêm, cờ hoa rực rỡ hai bên đường. Cùng với đó là những nụ cười thân thiện, cái vẫy tay, bắt tay đầm ấm, hữu nghị đã được vun đắp trong 65 năm qua. Truyền thống quan hệ làng giềng, hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng và được Đảng Cộng sản và nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp cho thế hệ tương lai.
Trong các cuộc hội đàm của Đoàn với nước chủ nhà đều được các phóng viên quốc tế và phóng viên của hai nước theo dõi, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng nhẽ BBC vẫn chưa nhìn, nghe thấy sao? Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, đặc biệt trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên đã có thông cáo chung đề nghị BBC hãy tìm đọc.
Còn vì sao Đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc trước khi Đoàn sang thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng là điều dễ hiểu. Đây là quan hệ hữu nghị được xây đắp từ năm 1950. Hiện tại, Việt Nam – Trung Quốc là đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện. Những năm qua, lãnh đạo cấp cao của hai đảng, hai nhà nước luôn có chuyến viếng thăm lẫn nhau. Tháng 11/2010, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc và hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam ngày 31/10/2005.
 Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước chưa gặp nhau. Bởi vậy, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm “củng cố và duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương, mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp giữa hai nước và góp phần vào việc duy trì một môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực".
Đối với Hoa Kỳ, không phải đương nhiên chính quyền nước này lại mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam mà bấy lâu nay Oa-sinh-tơn không thể chấp nhận - sang thăm Hoa Kỳ vào thời điểm hai nước kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam Kỷ niệm tròn 40 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phải chăng lời mời này ngấm ngầm gửi đến Việt Nam một thông điệp: Hoa Kỳ chấp nhận chế độ chính trị ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo?
Dù là mục đích gì đi nữa, chuyến thăm này của Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng gửi thông điệp ra thế giới, nhất là các nước phương Tây rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam - Nhà nước Việt Nam sẵn sàng đối thoại với tất cả các nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội trên thế giới là, vì hòa bình, tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và vì một Việt Nam cường thịnh.
Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Bởi vậy, trong chuyến công du đến Hoa Kỳ sắp diễn ra của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các chuyến viếng thăm lịch sử đã từng diễn ra trước đây của Chủ tịch tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 6/2007) và Chủ tịch Trương Tấn Sang (tháng 7/2013), Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề hai nước cùng quan tâm, như: chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, giáo dục, giao lưu nhân dân và các vấn đề khác. Về hợp tác đa phương, hai bên chia sẻ những lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình; đồng thời, tiếp tục hợp tác trong các diễn đàn khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Thăm Trung Quốc trước hay Hoa Kỳ trước không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng hơn, đó là vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế!