May 20, 2014

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam

Tre Việt - Biển, đảo Việt Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm môi trường và quốc phòng - an ninh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như mối quan hệ giao thương hàng hải, hàng không đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong lịch sử, cũng như hiện tại và tương lai, nhân dân Việt Nam luôn thấy rõ vị trí, tầm quan trọng biển, đảo của Tổ quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình theo đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, củng cố hòa binh, an ninh trên biển. Trên cơ sở đó, nhân dân Việt Nam đã khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đảo phục vụ cho công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng ta nêu rõ: Phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, v.v.
Ngày nay, các nước trên thế giới đều thấy rõ vai trò, vị trí của biển, đảo. Khi các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, các nước đều tìm mọi cách để vươn ra biển, khai thác các nguồn lợi to lớn trên biển, như: đánh bắt hải sản, khai thác nguồn tài nguyên đáy biển, bảo đảm giao thông, vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường không trên biển,... Chính điều đó, cùng với nhiều nguyên nhân khác, trong đó có những hành xử bất chấp đạo lý, luật pháp và thông lệ quốc tế của một số nước đã làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở các vùng biển, đảo trên thế giới, trong đó có khu vực biển của Việt Nam trở nên gay gắt, thậm chí bị biến thành vấn đề chính trị nóng bỏng, tác động mạnh mẽ đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển của thế giới, nhất là với các quốc gia, vùng lãnh thổ ven biển, có đường biên giới biển liền kề. Đó là hành động phi nghĩa.
Việt Nam và Trung quốc có mối quan hệ rất đặc biệt, “núi liền núi, sông liền sông”, “chung Biển Đông,... chung tình hữu nghị”, có cả đường biên giới trên đất liền và trên biển. Trong quá trình phát triển, Việt Nam và Trung Quốc đều đã tập trung khai thác các nguồn lợi từ các vùng biển thuộc chủ quyền của mình và có những thỏa thuận để cùng nhau khai thác nguồn lợi từ các vùng biển có tranh chấp một cách hòa bình, phục vụ cho sự phát triển mỗi nước, phù hợp với đặc điểm của mình và thông lệ quốc tế. Chính điều đó đã tạo điều kiện để cả Việt Nam và Trung Quốc đều có bước phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực, đời sống nhân dân hai nước không ngừng được cải thiện, nâng cao, quốc phòng - an ninh được tăng cường, môi trường hòa bình, ổn đỉnh, an ninh, an toàn trên biển thuộc chủ quyền hai nước và các nước trong khu vực và quốc tế được đảm bảo,... Trung Quốc đã trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, có tiềm lực quân sự mạnh,... Tuy nhiên, với tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến tuyên bố đường biên giới “lưỡi bò” trên biển thành hiện thực, Trung Quốc đã không ít lần có những hành động ngang ngược, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, gây mất an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, từ ngày 01-5-2014 đến nay, Trung Quốc đã ngang ngược, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế đã đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam ra nhắc nhở, thì Trung Quốc huy động các loại tầu, trong đó cả tầu quân sự để tấn công trực diện các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam. Nguy hiểm hơn, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, của các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân trên thế giới (cả những người dân, các học giả Trung Quốc), Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam; dựng chuyện “Việt Nam khiêu khích, gây gia tăng căng thẳng”, đòi Việt Nam phải “rút hết các tầu đang ngăn chặn hoạt động của Hải Dương-981 của Trung Quốc” về nước, để “đàm phá hòa bình, giảm căng thẳng trong tranh chấp” (!). Nên nhớ, theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, vị trí giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt là thuộc chủ quyền Việt Nam! Hành động trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, trực tiếp đe dọa đến nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, cũng như an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, môi trường hoà bình trong khu vực và trên thế giới.
Trước âm mưu độc chiếm Biển Đông và hành động khiêu khích ngang ngược của Trung Quốc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nêu cao chính nghĩa, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực, tiềm lực trong nước và ngoài nước để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chúng ta đã và đang đấu tranh hòa bình, bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao và luật pháp, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng lực lượng xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Luật pháp và dư luận quốc tế, chính nghĩa, lẽ phải đứng về chúng ta - Việt Nam!
Việt Nam là một đất nước có truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa giải, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc, quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế có uy tín trong khu vực và trên thế giới (Liên hợp quốc, ASEAN,... Việt Nam đã ký kết, xây dựng mối quan hệ tốt, làm đối tác kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh với nhiều nước trên thế giới; trong đó, là đối tác hợp tác toàn diện với Mỹ, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với các nước: Anh, Pháp, Nga,... và cả Trung Quốc. Như vậy, chứng tỏ Việt Nam luôn là bạn, là đối tác có trách nhiệm với các nước, luôn phấn đấu vì hòa bình, phát triển của thế giới. Và chính điều này, Việt Nam có đủ các nguồn lực trong nước và quốc tế để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Lịch sử dựng xây và phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam đã chững minh rõ: mọi hành động xâm phạm chủ quyền của đất nước Việt Nam đều bị thất bại.
Lẽ phải, chính nghĩa thuộc về Việt Nam! Âm mưu, hành động trắng trợn đưa giàn khoan Hải Dương – 981 và sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là phi nghĩa, vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam.
Hệ thống pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam (bao gồm những văn bản của Nhà nước Việt Nam và quốc tế) đã chỉ rõ điều đó. Việt Nam, là nước đã tham gia Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về luật biển từ năm 1977, là một trong 130 quốc gia tán thành Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và cũng là một trong 119 quốc gia ký Công ước này từ ngày đầu (10-12-1982). Ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; ngày 12-5-1997, Chính phủ Việt Nam ra công bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quá trình xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong khu vực đã được Đảng và Chính phủ ta cụ thể hóa bằng việc phê duyệt, ký kết song phương và đa phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với các nước có liên quan về vấn đề chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển chồng lấn hoặc có tranh chấp như: Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia (07-7-1982); Thỏa thuận hợp tác khai thác chung Việt Nam – Ma-lai-xi-a (05-6-1992); Phân định biển Việt Nam - Thái Lan (09-8-1997); Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc (25-12-2000); Nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC) ngày 04-11-2002; Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam – In-đô-nê-xi-a (26-6-2003),... Như vậy về khía cạnh pháp lý, lẽ phải thuộc về Việt Nam.
Trước thực trạng chủ quyền biển, đảo Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và quyền lợi quốc gia dân tộc, bằng những căn cứ pháp lý, thực tiễn chính xác, có tính thuyết phục cao, các nước, các tổ chức, các học giả, nhà nghiên cứu và nhân dân trên thế giới đã phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc. Các nước, như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc,.... các tổ chức như: Liên hợp quốc, EU, ASEAN,... các học giả, nhà nghiên cứu (trong đó có cả ở Trung Quốc) đều cho rằng hành động của Trung Quốc là “ngang ngươc”, “khiêu khích”, “cực kỳ nguy hiểm”,... làm mất ổn định ở Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới,... Công luận trong nước và quốc tế đứng về Việt Nam, bởi Việt Nam chính nghĩa, hành động của Trung Quốc là phi nghĩa. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp, các học giả, nhà khoa học và nhân dân Việt Nam trong nước và sinh sống, công tác ở nước ngoài đã đoàn kết một lòng tạo sức mạnh tổng hợp cùng Đảng, Chính phủ kiên quyết đẩy lùi các hành động ngang ngược của Trung Quốc một cách hòa bình. Đặc biệt, trước hành động hung hăng, nguy hiểm của các lực lượng hộ tống giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, các lực lượng bảo vệ chủ quyền, thục thi pháp luật, nhất là lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó, đối phó thắng lợi với mọi hành động gây hấn, khiêu khích trắng trợn vi phạm chủ quyền đất nước của Trung Quốc.

Biển, đảo là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia, có vị trí, vai trò to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao và pháp lý, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi, chính nghĩa thuộc về Việt Nam./.