Dec 6, 2016

RFA chơi trò "đánh lận con đen"

Tre Việt - Ngày 02-12-2016, trên RFA có bài của Gia Minh (Phó ban Việt Ngữ của RFA) dưới dạng phỏng vấn có tựa đề: Thực trạng đàn áp, sách nhiễu tôn giáo tại Việt Nam(!) Ở bài viết này, Gia Minh đã phỏng vấn nhăng cuội “Một số chức sắc tôn giáo” rồi đi đến kết luận: “Một số chức sắc tôn giáo không theo hệ thống nhà nước, công khai phê phán chính quyền Hà Nội là mình liên tục bị sách nhiễu, đàn áp”(!)
Cần nói ngay rằng, đây là sự xuyên tạc đời sống tự do, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam với mục đích xấu. Vì sao nói vậy?
Trước hết, đối tượng mà Gia Minh phỏng vấn là: Nguyễn Hồng Quang (kẻ tự xưng là Mục sư, người đứng đầu Hội thánh Tin lành mennonite độc lập - một tổ chức tôn giáo “ma” không được Nhà nước Việt Nam công nhận); Phan Văn Lợi (kẻ tự xưng là Mục sư, thuộc nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền ở Huế - cũng thuộc một tổ chức tôn giáo “ma” mà thôi). Thực chất, đây là hai kẻ suy đồi về đạo đức, thường đội lốt “chức sắc tôn giáo”, lợi dụng niềm tin tôn giáo của nhân dân và các tín đồ, tu sĩ, đời sống tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, có nhiều hoạt động lừa bịp, gây mất trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật, chống đối chế độ,… làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam và tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, uy tín của Hội thánh Tin lành và Công giáo Việt Nam, đã nhiều lần bị chính quyền Việt Nam các cấp giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định của pháp luật.
Vậy thử hỏi, những đối tượng mà Gia Minh thực hiện phỏng vấn liệu có khách quan? Không, hoàn toàn không! Vì thế, chẳng ai lạ gì, khi được Gia Minh “mớm” thì Nguyễn Hồng Quang vẽ ra rằng: “trong 45 ngày trở lại đây có 15 lần bị ném mắm tôm, chọi đá và chai thủy tinh,..”, rồi “ông ổng” than lên rằng: “… chúng tôi liên tục bị tấn công, bị đánh đập”(!) Không kém, Phan Văn Lợi “tố cáo” bị “… sách nhiễu rất nhiều,… nhịp độ gần đây có gia tăng”(!) Và từ những “chứng cứ” này, Gia Minh đi đến kết luận: “đó là thực tế ở Việt Nam”(!) Đúng chỉ có những kẻ “mặt dày” mới có thể trơ tráo xuyên tạc như vậy.
Ở Việt Nam, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo 
theo quy định của pháp luật đều được tự do hoạt động
Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện nay có đời sống tín ngưỡng tôn giáo hết sức đa dạng; trong đó, có 39 tổ chức tôn giáo của 14 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với 28 nghìn cơ sở thờ tự, hàng vạn chức sắc, chức việc, gần 25 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước). Trong quá trình tự do thực hiện tín ngưỡng, đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó, đồng hành cùng nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, đó là: Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội (của Phật giáo); Sống phúc âm giữa lòng dân tộc (của Công giáo); Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc (của Tin Lành) ; nước vinh, đạo sáng (của Cao Đài); Vì đạo pháp, vì dân tộc (của Hòa Hảo). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), Điều 24 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Những điều này hoàn toàn tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm1966): mọi người có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự cộng cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Thực tế cho thấy, hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam đều ghi nhận và thực hiện quyền này trong hiến pháp, pháp luật. Ngay ở nước Mỹ, hoạt động biểu tình, cầu kinh,... cũng không thể tuỳ tiện tổ chức ở những nơi không được phép; những tổ chức giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo; mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác,… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Điều này là hoàn toàn đúng đắn và hết sức bình thường đối với tất cả các quốc gia, không chỉ có Việt Nam. Như vậy, những giới hạn về tự do tôn giáo của Hiến pháp 2013 trên thực tế là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người. 
Ở Việt Nam, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định pháp luật đều được tự do hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo và không ngừng phát triển. Không chỉ tạo điều kiện, cấp phép cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, xây dựng cơ sở thờ tự, đào tạo chức sắc, chức việc, phát triển giáo lý theo quy định của pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động sôi động có ý nghĩa không chỉ trong nước mà còn cả khu vực và quốc tế. Năm 2015, các đại hội, đại hội đồng nhiệm kỳ, hội nghị, lễ hội lớn của các tôn giáo, như: Đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh; Lễ An vị Tổ đình Tòa thánh Châu Minh của Hội thánh Cao Đài Tiên Nhiên tổ chức tại tỉnh Bến Tre; Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020); Đại hội đồng Tổng hội lần thứ III của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2019); Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tại Tòa thánh Tây Ninh; Đại lễ kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài; Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2018); Đại hội lần thứ IV của Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2017); Đại hội đồng lần thứ III của Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020),... diễn ra trang trọng, an toàn, thu hút đông đảo tín đồ, quần chúng nhân dân tham gia đã làm sinh động, phong phú bức tranh sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời được cộng đồng các tôn giáo trên thế giới thừa nhận, ủng hộ. Gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến thăm Va-ti-căng và được Đức Giáo hoàng Phanxico hoan nghênh và tổ chức đón tiếp trọng thị. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ giữa Việt Nam và Va-ti-căng ngày càng phát triển, ngược lại hoàn toàn với sự vu cáo của một số kẻ đội lốt tôn giáo.
Đó là thực tế không thể phủ nhận. Như vậy, ở Việt Nam có tình trạng tự do tôn giáo đang bị Chính phủ “sách nhiễu, đàn áp” hay không? Không. Hoàn toàn không!

Việc RFA chơi trò “đánh lận con đen” với mục đích xấu, đã bị nhân dân Việt Nam và người yêu chuộng hòa bình, tự do, phát triển trên thế giới nhận rõ và bác bỏ./.