Nov 9, 2020

Việc làm cần thiết để mọi người hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình

          Tre Việt - Chiều ngày 06/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề quản lý mạng xã hội, vấn nạn tin giả,... và thông tin: năm nay (2020) Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng, để mọi người hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, coi đây là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả. 

       Ngay sau đó, lợi dụng thông tin trên, trang facebook Việt Tân đăng bài: “Bộ Quy tắc tham gia mạng xã hội - VN gia tăng việc khóa miệng dân” của Ngọc Thu, xuyên tạc: “đây là biện pháp cứng rắn, quyết liệt liên tiếp của ông nhằm ngăn chặn những phê phán chính sách, đường lối của Đảng cũng như nói xấu lãnh đạo” và quy chụp rằng: “Ông Hùng tiếp tục vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân một cách trắng trợn... mặc dầu quyền này được chính quyền của ông long trọng đặt bút ký vào các công ước quốc tế để được gia nhập vào cộng đồng quốc tế”.

Chúng ta đều biết rằng, tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới, như: Facebook và YouTube. Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông làm rất quyết liệt, như: tham mưu Chính phủ ban hành Quy định về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội, với các công cụ quản lý như: Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tin giả, xấu độc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này tăng lên hàng năm. Với Facebook,  năm 2020 gỡ bỏ tăng 30 lần so với năm 2017; số video xấu độc trên YouTube  gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ tăng 8 lần, v.v.

Nhằm bảo đảm cho mọi người dân tham gia mạng xã hội theo đúng pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả, trong đó có việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm. Đó là việc làm hết sức cần thiết để người dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình chứ không hề có chuyện “ngăn chặn những phê phán chính sách, đường lối của đảng cũng như nói xấu lãnh đạo”, “khóa miệng dân” như Việt Tân xuyên tạc./.