Aug 11, 2021

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Sơ kết thực hiện Chỉ thị số 05, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc cán bộ, đảng viên rất kỹ về từ “Liêm Sỉ”

     Xem khắp trong lịch sử từ cổ tới kim, dù bất cứ ở đâu, dẫu bất kể thời nào, cổ nhân ta cũng coi trọng, biểu dương, nêu cao và giữ gìn Liêm, Sỉ! Vì đặng làm một người chân chính thì dù là ai, cũng không thể xa rời Liêm, Sỉ!

Ấy là cái Hồn để chăm cho cho cái Căn bản con người xứng đáng là Con người, cái Cốt để vun cho cái Gốc thể chế vững mạnh. Vì muốn xứng đáng một quốc gia thì cần phải có Quốc Sỉ, Quốc thể.

Liêm Sỉ và Quốc Sỉ là những giềng mối căn bản làm nên địa vị, tiếng tăm, sức mạnh một con người; vị thế, sức mạnh và thanh danh Đất nước!

Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham cầu, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Một công bộc quốc gia liêm chính phải: có đức, tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư, biết lễ biết phép, biết hay dở phải trái, v.v. Chung quy, một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.

Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét đâu là giới hạn giữa công và tư, rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế, thì không chỉ rước họa thân bại danh liệt, và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến. Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm, thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được!

Sỉ là biết xấu hổ, tức là biết hổ thẹn. Gặp chuyện gì không hợp đạo lý, đi ngược lại với lương tâm của mình thì tuyệt đối chẳng làm. Sẽ là mang tiếng xấu hổ vì khi không làm tròn phận sự mình, vì những điều xằng bậy mình đã trót nhúng chàm. Càng là xấu hổ vì mình đã không theo được lý tưởng mình đã vạch ra. Xấu hổ là lúc trong lòng thời gian ác, xấu xa mà bên ngoài mặt thời dùng lời nói hay, bộ tịch khéo léo, lịch sự để che đậy. Xấu hổ là khi bề trong thì oán ghét người, mà bên ngoài lại giả tảng thân thiết với người. Xấu hổ là khi trong nước còn nghèo, Nhân dân thiếu thốn, mà mình dùng những phương tiện bất chính để trở nên “giàu có bất thường”, dư dật kệch cỡm. Xấu hổ là lúc nào cũng bo bo nghĩ đến lợi lộc, áo cơm vị kỷ, còn gia phong, vận nước thì mặc cho gió cuốn nổi trôi. Người xưa nói, xấu hổ khi tài đức không xứng với chức vị, khi không có tài đức mà dám cầm trọng trách, để cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ; khi mình đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ. Những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố,... vô hình trung đã vứt bỏ mất tấc lòng hổ thẹn của mình rồi.

Vì thế, Liêm Sỉ là tính rất hay của loài người. Cổ nhân nói: Khi đã không còn có Liêm, Sỉ như mọi người, thì làm sao mà còn là giống người được nữa! Nó là cái đại tiết để giúp con người nên Người. Vì, người mà không Liêm thì cái gì cũng mưu đoạt lấy, không Sỉ thì việc gì cũng rắp tâm làm. Nhưng, khi mắc tội lại tỏ ra hèn hát, quỵ lụy, van lơn, tự hạ nhục mình! Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất là những bậc đứng chủ trương việc nhà, chủ trì việc công mà vô Liêm, vô Sỉ thì thân khoác ươn hèn, nhà phải suy bại, nước phải nguy vong!

Cùng với Lễ, Nghĩa, thì Liêm, Sỉ hợp thành bốn đầu dây của một quốc gia. Một đầu dây đứt thì nước phải nghiêng. Hai đầu dây đứt thì nước phải nguy. Ba đầu dây đứt thì nước phải đổ. Bốn đầu dây đứt thì nước phải diệt.Nếu nghiêng thì còn làm cho ngay lại được; nếu nguy có thể làm cho yên được; nếu đổ thì có thể nâng lên được; nếu diệt vong thì không thể nào gây dựng lại được nữa.

Thế mà từ bấy lâu nay, nhất là mấy năm nay, thử ngó trông mấy người đứng ra “giải trình” mà như là lấp liếm, cả tiếng “minh bạch hóa” nhưng lại tự chuốc tối tăm cho mình về sự phất lên chóng mặt đến mức bất thường của những khối tài sản to sụ của họ (cố bằng mọi cách để cướp đoạt): những “biệt phủ”, những “của nả như núi”, bào chữa cho “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, thậm chí nhen nhóm cả những “sứ quân”,... mà thấy sự Liêm thời nay bị họ xúc phạm, chà đạp, bị làm cho tổn thương, thậm chí bị làm cho,... bị xỉ nhục đau đớn!

Lại đoái nhìn những bản “tự kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” chốn công vụ của những “bộ mặt mo” tới mức quẩn quanh, dối trá mưu toan che đậy những mánh lới, thớ lợ của âm mưu “lẻn” vào chốn quan trường, rắp “cả họ làm quan”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ,...” mà không ai không,... khinh bỉ. Rồi những thói lươn lẹo, cong queo, xảo trá, khuất tất nơi chính trường, trái với nghĩa chính trị là sự ngay thẳng (“chính giả chính dã”) khiến ai ai cũng... nổi giận! Vì chữ Sỉ bị chà đạp! Tệ hơn, cả thói quan chức “giả trang” thỏa chí “xuất ngoại chui”, rồi thói “táy máy” ti tiện, hành xử xa lạ với thứ văn hóa làm người ở nước ngoài, bất chấp thanh danh người Việt, thậm chí đây đó cả sự ươn hèn, hổ nhục trong bang giao quốc tế làm phương hại thể diện người nước Nam ta... mà dù ai trông thấy cũng phải bất bình, bỉ mặt! Họ có biết Quốc Sỉ bị tổn thương không?

Gớm ghiếc thay, lắm người rình rập “cuỗm lấy” cả trăm, nghìn tỷ đồng trong quốc khố, giở trò “đạo vị” bất chấp Liêm, Sỉ ở chốn công đường mà làm ngơ quốc nhục, thậm chí cả mưu mô “ăn cắp, buôn bán niềm tin” của Nhân dân, nhắm mắt cố tình xúc phạm quốc an mà không biết sợ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”,... lại còn lên mặt rao giảng nghĩa khí, càng thấy điều Sỉ ở thời nay bị họ làm cho bại hoại, bất chấp cả đạo lý, luân thường. Họ có thấu đấy là xương máu, lòng tin ký thác của đồng bào gom góp lại không? Và, sự hành Sỉ bị họ bôi nhọ, bẻ cong, chặt cụt, báng bổ cả đạo lý ở đời, chỉ thoáng thấy thôi, nhưng cũng đủ khiến bất cứ ai ai, dù hiền từ nhất, cũng không thể không bị xúc phạm và nổi giận, mà họ vẫn cứ nhởn nhơ không sợ quả báo sao! Tham nhũng không chỉ táng thất Liêm Sỉ cá nhân mà còn làm nhục Quốc thể trong các mối quan hệ bang giao quốc tế. Họ có biết, ấy là sự tự sát không?

Liêm, Sỉ là nền tảng của đạo làm người. Chính những người ấy, chứ không phải ai khác, là hiện thân của thói ô nhục làm cho nhân tình đảo ngược, làm cho phong tục suy đồi, khiến cho chính thể tổn thương, niềm tin nơi Nhân dân bị xâm hại. Những ai chỉ biết chăm chăm xu thời nịnh đời, vơ vét, biển thủ tài sản quốc dân,... nếu thử nghĩ lại, thì chẳng đáng cả thẹn lắm sao, chẳng đáng phải tự mình phải lấy đó làm run sợ, kinh hãi lắm sao!

Nếu cho Liêm, Sỉ là sự xấu hổ chung cho cả nước, mà họ “nhân danh” mọi thứ hành xử như thế, dù trong bờ cõi hay ngoài cương thổ, thì Quốc sỉ bị tổn thương, Quốc thể bị vấy bẩn, âu cũng không phải là sự nói ngoa. Ở đời, những công bộc giữ Sỉ thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm kia sẽ còn; chứ khi Liêm, Sỉ đã mất, nhất là Sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý ở đời, ai còn mong, còn tin cậy vào chính nghĩa quang minh nơi đâu được nữa? Nhất là những người giữ trọng trách, dù ở cấp nào, mà Liêm bị khinh, Sỉ bị hạ, thì danh dự nước nhà như “trứng để đầu đẳng”, thì Đảng và Nhân Dân biết trông đợi và dựa vào ai chính đại và lỗi lạc được nữa? Lúc ấy, thì vận nước nguy nan như “Gươm treo chỉ mành” kia hoặc họa quốc vong như “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, vòng Dân tộc bị nô lệ ắt sẽ cận kề, thì còn ai, còn đâu mà nói về Liêm, về Sỉ, mà luận về Quốc sỉ hay Quốc thể được nữa!

Vì thế, dù cho thế nào, đã bao thời qua và nay muôn dân đã xác quyết: Ai đó có thể bị nghiêng, ai đó có thể tự diệt, vì không Liêm, Sỉ, chứ quyết không thể để Nước nghiêng, bị diệt hay tự diệt. Thế nên, thiển nghĩ, cùng với Lễ, Nghĩa thì Liêm, Sỉ nhất định phải được gìn giữ vẹn toàn, để mỗi người trở thành Người, để Quốc gia vững bền, Dân tộc cường thịnh! Liêm Sỉ được tôn vinh, Quốc Sỉ, do đó, mà ngày càng cẩn trọng làm cho sạch sẽ tinh tươm (“tuyết Quốc sỉ”), Quốc thể theo đó mà ngày càng vững vàng, tỏa sáng!

Càng trông, càng ngẫm những chuyện như thế, nhỏ thì thử hỏi ai mà không lo cho Liêm, Sỉ, đạo lý ở đời bị nhiễu loạn; lớn thì không thể không tự vấn rằng, mọi cấp, mọi ngành, nơi đâu không canh cánh lo âu về trách nhiệm rửa sạch Quốc sỉ nước nhà, địa vị và uy tín cao thấp của Quốc thể giang san xã tắc nước Nam ta trên cõi hoàn cầu!?

Đến đây, nhớ câu chuyện kể hơn 88 năm trước, khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được giới thiệu gia nhập Trung ương Đảng lâm thời, đã từ chối và đề cử đồng chí Trần Văn Lan thay mình, mà xiết bao cảm phục trước một nhân cách lớn, có thể là nói tấm gương vô song mang tầm vóc một lãnh tụ. Và nay, trước nghĩa cử “treo ấn từ quan”, “cởi áo”, “trả lại chức vụ” khi việc công được hứa trước Dân mà không thành do lẻ loi, do bị vô vàn “lực cản” hữu hình và vô hình ngáng trở; lại có người xin “về nghỉ sớm” mấy năm, để nhường vị trí lãnh đạo của mình đang nắm giữ cho lớp trẻ,... càng bỗng vui rằng cái Liêm, Sỉ về sự “tri túc, tri chỉ” (biết đủ, biết dừng) hẵng còn vằng vặc sáng trong đời này! Nhưng, lo ngại rằng, mấy vị ấy chỉ là “quan nho nhỏ”, lại rất thưa thớt, còn bao “ông cả, bà nhớn” kia lại vốn gây bao nhời ong tiếng ve làm u ám Dân tâm, hoen ố thiên hạ, há đã mấy ai dám làm theo Liêm, Sỉ trên đời, và há mong gì ở họ về Quốc sỉ hay là Quốc thể nữa?

Vì thế, hiện thời, chẳng thể lùi bước và quyết không thể không làm: Khi Đạo lý chưa đủ răn, Liêm Sỉ chưa đủ thức, Đạo đức chưa đủ chuyển, Trách nhiệm chưa đủ buộc, Hậu họa chưa đủ sợ, Tự thân chưa quyết sửa, chưa biết tự xử (tối thiểu là từ chức, là “tam ban triều điển” xưa),... thì Pháp lý phải được toàn dụng, Dư luận kiểm soát phải được tôn vinh, với tinh thần Dân chủ, muôn người Bình đẳng, với phương châm “Quốc pháp vô thân”!

      Không trừ một ai, không ngoại lệ một cấp nào, không bỏ sót một nơi đâu!
(Nguồn: Ánh sáng Thăng Long)

Các biện pháp chống dịch của Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả

         Tre Việt - Ngày 09/8, trang facebook Việt Tân đăng tải bài viết của Lê Ánh có tiêu đề: “Nổ” dẫn đến hệ quả làm ca nhiệm và nhiều người tử vong tăng?, xuyên tạc: số ca nhiễm và tử vong tại Việt Nam tăng là “hệ quả của những phát biểu “nổ” của các lãnh đạo từ những đợt bùng phát trong những giai đoạn đầu. Những con số được công bố chính thức từ Bộ Y tế, nhưng trên thực tế con số có thể cao hơn nhiều. Xảo trá hơn, họ còn “đổ lỗi” cho các cơ sở đảng, cơ quan trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Y đã tự hào và chủ quan, chính quyền không cảnh báo và áp dụng những biện pháp ngăn ngừa để hướng dẫn người dân, khiến cho người dân chủ quan, không phòng và chống dịch”, v.v.

Thực chất, đây là chiêu trò mà Lê Ánh và Việt Tân dùng để “đổ lỗi” công tác chỉ đạo phòng, chống đại dịch Covid-19 của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, hòng làm lu mờ thành quả, kích động nhân dân chống phá hoạt động chỉ đạo phòng, chống dịch của chính quyền các cấp.

Như chúng ta đều biết, với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4) có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số người bị nhiễm cao, gây tổn hại lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy kết quả phòng, chống dịch qua 03 đợt bùng phát trước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thích ứng với tình hình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Với quyết tâm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, ngành, địa phương và của toàn dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Chúng ta đã ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn; nhiều tâm dịch được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường. Đó là sự thật, chứ đâu phải “nổ”!

Đánh giá về hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, mới đây, Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Việt Nam đang đi đúng hướng khi thực hiện cả ba giải pháp tiến tới chấm dứt dịch bệnh, đó là: ngăn chặn sự lây lan bằng cách sớm phát hiện, cách ly các ca nhiễm và các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm; kích hoạt các biện pháp giãn cách xã hội; giảm thiểu dịch bệnh bằng cách thực hiện tiêm chủng diện rộng.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương còn thực hiện chưa thật nghiêm, thật dứt khoát, thực chất các biện pháp theo quy định, thậm chí còn chủ quan, lơ là; thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm, lây lan nhanh của biến chủng mới Delta và chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các ca nhiễm và tử vong do nhiễm Covid-19. Chúng ta không phủ nhận.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, trước mắt chúng ta vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các thế lực thù địch, phản động, chống đối chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng, cố tình xuyên tạc tình hình dịch bệnh, và công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; kích động, hướng lái để người dân không tin vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà chúng ta đang quyết liệt thực hiện, gây mâu thuẫn, bức xúc giữa nhân dân và chính quyền, nhất là các địa phương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. 

Vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo trước âm mưu, luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử chống đối. Tuyệt đối tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà chúng ta đang thực hiện. Tre Việt tin tưởng rằng, những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện sẽ phát huy hiệu quả./.