Apr 28, 2021

Luận điệu xuyên tạc không lừa gạt được ai


Tre Việt - Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), những luận điệu xuyên tạc về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc lại rộ lên, với nhiều giọng điệu hằn học, nhằm khơi dậy hằn thù, phủ nhận chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, kích động kiều bào yêu nước không về thăm quê hương, không tham gia xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày 27/4 vừa qua, trang facebook Đài Châu Á Tự Do (RFA), đăng bài: “Vì sao con đường hòa hợp - hòa giải dân tộc vẫn xa vời”, trích dẫn nhiều ý kiến bình luận của cái được gọi là  “nhà quan sát” có quan điểm chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ, xuyên tạc rằng: Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt gần nửa thế kỷ nay, thế nhưng kêu gọi hòa hợp - hòa giải giữa hai phía với ý thức hệ khác nhau đến nay vẫn chưa thể thực hiện; muốn hòa hợp, hòa giải thì người chủ động và trách nhiệm lớn nhất trước hết vẫn là “bên thắng cuộc”; Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải chủ động, đừng “ta thắng - địch thua”, đừng phô trương rùm beng này nọ những dịp 30 tháng tư hằng năm, thì may ra có thể khiến người dân tin vào thiện chí hòa giải thực sự của mình, v.v.

Trước hết, cần khẳng định, luận điệu nêu trên chỉ là cái cớ để níu kéo những ảo tưởng chính trị liên quan đến chế độ cũ tại miền Nam Việt Nam; họ cố tình không chịu nhìn thẳng, và thừa nhận những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1975 ở Việt Nam là cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Do đó, nếu có “bên thắng cuộc”“bên thua cuộc” ở đây, thì cần phải nói rằng: toàn thể dân tộc Việt Nam là “bên thắng cuộc” và đế quốc Mỹ là “bên thua cuộc”. Cái lý sự cho rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”,“bên thắng cuộc” là miền Bắc, còn “bên thua cuộc” là miền Nam, chỉ là thứ “lý sự cùn” của vài đối tượng chống đối nào đó, do ôm hận vì không còn được tận hưởng danh phận của kẻ làm tay sai cho ngoại bang, vẫn lập luận nhằm hạ thấp giá trị Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam và ngụy biện cho quãng đời làm tay sai cho ông chủ Mỹ. Điều đó không lòe bịp được những người có lương tri, tôn trọng sự thật.

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày hai miền Nam - Bắc được thống nhất, đất nước thu về một mối. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chủ trương phát huy, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc một cách thực chất.

Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, nêu rõ: “Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc,… mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật của Nhà nước ta đã có chế tài nghiêm khắc với những tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ví dụ như, Điều 9, Luật Báo chí năm 2016, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những hành vi đăng, phát thông tin có nội dung: “Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân…; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, số kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài lên đến gần 5 triệu người. Thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, trong những năm gần đây, với việc xác định: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội. Xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, có nhiều tội ác với nhân dân được về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ, v.v. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình kiều bào hướng về Tổ quốc, như: xuân quê hương; tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới; trại hè Việt Nam dành cho thế hệ trẻ kiều bào; Đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa hằng năm, v.v. Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân kiều bào trước kia còn nặng định kiến, nay đã thay đổi nhận thức, chính kiến và đã thu hút được kiều bào có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước, v.v.

Thiết nghĩ, RFA đừng cố tình núp bóng hòa hợp, hòa giải dân tộc để thúc đẩy các hoạt động chống phá, kích động gây mất đoàn kết dân tộc. Những luận điệu xuyên tạc chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam không lừa gạt được ai và nhất định bị phủ nhận bởi thực tiễn sinh động về hòa giải, hòa hợp dân tộc trên đất nước Việt Nam./.


Việt Nam không đe dọa ai


Tre Việt – Ngày 26/4/2021, trang VOA Tiếng Việt trích dẫn bài trên Tạp chí Naval and Merchant Ships của Trung Quốc có nội dung: “Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân và tự vệ biển của mình trên Biển Đông nhằm thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thống trị tuyến đường thủy đang có tranh chấp”; “Lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của họ trên vùng biển gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đe doạ đến việc thực thi luật hàng hải và an ninh quốc phòng quốc gia của Trung Quốc”. Đó là cách suy diễn vô lối. Bời vì:

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông; có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số đảo ven bờ có vị trí quan trọng, được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở; từ đó vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được xác định một cách rõ ràng, quốc tế công nhận. Riêng Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam tiếp giáp với vùng biển Trung Quốc đã được phân chia rõ ràng theo Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, ký ngày 25/12/2000 giữa chính phủ hai nước: Việt Nam - Trung Quốc. Về pháp lý, Việt Nam không có vùng biển tranh chấp đối với các nước khác.

Về quan quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị...; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đây là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, mục tiêu xuyên suốt của chính sách quốc phòng Việt Nam là: giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của đất nước. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương “4 không”: 1. Không tham gia liên minh quân sự; 2. Không liên kết với nước này để chống nước kia; 3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; 4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế , giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Điều đó đã được nêu rõ ràng trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam.

Dân quân tự vệ biển là một bộ phận của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, được tổ chức ở các địa phương ven biển, đảo, cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển theo chính sách quốc phòng “4 không” nêu ở trên. Theo đó, có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư và các lực lượng khác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xử lý môi trường; tham gia phát triển kinh tế biển và thực hiện các nhiệm vụ khác. Do đó, lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam không gây hấn, đe dọa đến an ninh chính trị, chủ quyền biển, đảo và lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào.

Trong tình hình mới, Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hóa Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ. Việt Nam phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của Việt Nam. Mặc dù chủ trương không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược của bất kỳ kẻ nào, thế lực nào gây ra./.