Sep 25, 2022

Trần Văn lại nói xằng

        Tre Việt - Lợi dụng việc Chính phủ vừa trình Quốc hội tờ trình về dự án Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trang facebook Tiếng Dân News ngày 22/9 đăng bài: “Luật Đất đai: Chưa sửa đã thấy, sửa xong phải… sửa nữa” của Trần Văn. Trong bài viết có đoạn: Lần nào sửa luật về đất đai hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng khẳng định, luật mới sẽ “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân,…” nhưng tại sao sửa xong lại sửa nữa? Đây là dụng ý xấu, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ việc xây dựng các văn bản luật ở Việt Nam, cần đấu tranh, bác bỏ. Bởi vì:

Pháp luật mà cụ thể là các văn bản luật là công cụ quản lý xã hội của nhà nước. Vì thế, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Trong chương trình mỗi kỳ họp của Quốc hội - Cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước thì vấn đề thảo luận, thông qua các Dự án luật luôn là nội dung quan trọng để bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân. 

Trên thực tế, thời điểm các cơ quan chức năng soạn thảo nội dung, trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (năm 2013) thì việc nhận thức và thực tiễn về đất đai thời điểm đó là phù hợp. Tuy nhiên, thực tiễn luôn luôn vận động, phát triển, biến đổi; đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ những bất cập, như: chưa khai thác, phát huy hết các nguồn lực, giá trị của đất đai, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến nguy cơ tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân, v.v. Điều này, đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi Luật để ngày càng hoàn thiện là rất cần thiết, bảo đảm phù hợp với sự vận động, phát triển. Không riêng gì với Luật Đất đai mà bất cứ luật nào trong hệ thống pháp luật đều cần như vậy. Đây là việc làm hoàn toàn bình thường và không chỉ riêng có ở Việt Nam.

Trần Văn đặt câu hỏi: Vì sao thực tế cho thấy “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là nguyên nhân chính khiến kinh tế ngày càng bất ổn, xã hội ngày càng bất an nhưng đảng vẫn muốn duy trì nguyên tắc này? Câu trả lời là: Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định nguyên tắc “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” để khẳng định sự tiến bộ, bản chất ưu việt của chế độ xã hội ở Việt Nam, phân biệt rõ sự sở hữu về tư liệu sản xuất cơ bản so với chế độ tư bản chủ nghĩa. Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển, tăng trưởng bền vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam đã đứng vững trước những cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính tiền tệ xảy ra trên thế giới vào các năm 1997, 2008 và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Thực tiễn này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Vậy nên Trần Văn cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến kinh tế ngày càng bất ổn, xã hội ngày càng bất an là cố tình nói xằng, phán bừa về tình hình đất đai ở Việt Nam; cần lên án, bác bỏ!