May 21, 2021

Cớ sao lại phàn nàn?

           Tre Việt - Ngày 20/5 trang facebook Việt Tân đăng bài “Người Việt bị làm phiền vì hàng triệu tin nhắn kêu gọi đi bầu cử mỗi ngày”. Bài viết đã trích dẫn lại ý kiến trên trang Facebook cá nhân của một số người có nội dung: “Liên tục nhận tin nhắn yêu cầu sáng suốt trên mọi điện thoại, làm mình buộc phải tin là cái hội đồng này nghĩ dân ngu lắm,…” hay “một số ý kiến lại đặt câu hỏi vì sao cử tri phải sáng suốt lựa chọn trong khi số ứng cử viên đều được công bố rằng đã qua ba vòng hiệp thương và được Đảng xác nhận là đủ tài đức, được tín nhiệm cao”, v.v.

Trước hết, cần thấy rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân nhân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là đợt sinh hoạt chính trị lớn của cả nước, để bầu ra những đại biểu xứng đáng vào các cơ quan quyền lực ở Trung ương và địa phương. Do đó, nhiệm vụ này đã được chuẩn bị và triển khai thực hiện chặt chẽ ở tất cả các khâu, các bước từ Trung ương tới cơ sở. Song gần đến ngày bầu cử thì nước ta đã phải hứng chịu đợt bùng phát đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với những diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, diễn ra trên diện rộng (đã có hơn nghìn ca nhiễm mới SARS-CoV-2 ở 30 tỉnh, thành phố). Trước tình hình đó, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly xã hội; nhiều khu dân cư phải thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch, v.v. Điều này đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các bước, các khâu tiếp theo trong quy trình bầu cử. Nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta quyết tâm vẫn thực hiện vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân nhân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng kế hoạch, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng nguyên tắc. Vì thế, việc Hội đồng bầu cử Quốc gia thông qua các đơn vị viễn thông để nhắn tin đến các số thuê bao điện thoại cá nhân để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân đi bầu cử đúng thời gian, sáng suốt lựa chọn đại biểu để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình là rất kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Đúng là để có được danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để cư tri bầu vào ngày 23/5 tới đây, Ủy ban Mặt  trận các cấp đã phải trải qua ba lần hiệp thương. Đó là những người đủ điều kiện, tiêu chí để tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và địa phương. Nhưng để bảo đảm dân chủ, có sự lựa chọn, trong danh sách đó có số dư khoảng 40% (5 người bầu 3, 7 người bầu 4), cho nên cần sự sáng suốt của cư tri, để lựa chọn người xứng đáng hơn trong số những người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy ban bầu cử Quốc gia gửi tin nhắn đến các số thuê bao điện thoại nhắc nhở như thế đâu có gì sai, mà chỉ có tận dụng tốt thành  tựu của khoa học kỹ thuật phục vụ cho công tác có hiệu quả hơn. Đó là cách làm sáng tạo chứ, cớ sao lại phàn nàn?

Trò “mượn gió bẻ măng”

Tre Việt - Ngày 20/5, trang facebook Tiếng Dân News đăng bài “Tự răn mình” của Nguyễn Ngọc Chu. Ông ta nói là tự răn mình, nhưng thực ra, là trò “mượn gió bẻ măng”. Viết tự răn, nhưng để phê phán con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Ông Chu viết: “Lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim, chưa nhận thấy có người Việt nào là tác giả của các chủ nghĩa”. Đúng là như vậy. Nhưng cả dân tộc Việt Nam đã viết lên chủ nghĩa. Đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Vậy là, một người chưa làm được thì cả một dân tộc đã làm được. Ông ta viết tiếp: “Cụ Hồ chưa bao giờ cạnh tranh về vai trò người sáng tạo chủ nghĩa. Cụ Hồ chưa bao giờ tỏ ra có công đóng góp sáng tạo cho các chủ nghĩa. Cụ Hồ chưa bao giờ đề cập đến Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Xin thưa, không chỉ Cụ Hồ, mà những nhà hiền triết không ai khi sáng tạo khoa học, mục đích lại đặt ra là sản phẩm của họ phải trở thành chủ nghĩa này nọ cả. Từ sản phẩm sáng tạo khoa học, người đời nhận thấy giá trị của nó mà suy tôn là học thuyết hay chủ nghĩa mà thôi. Điều này, hẳn là không phải Ông không biết, phải không?

Ông viết, Việt Nam “không tiên phong trong thực tiễn”, trong hình thái kinh tế - xã hội thì có vẻ đúng, nhưng Việt Nam đã tiên phong trong chống xâm lược, chống những tên đế quốc sừng sỏ; tiên phong đánh rơi pháo đài bay (B.52) của đế quốc Mỹ. Hiện nay, tiên phong trong phòng, chống dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chẳng nhẽ, ông “không biết” sao?

Nguyễn Ngọc Chu viết: Không phải là người sáng tạo ra, thì không nên mất thời gian bàn về nó. Bàn về điều mình không thể tự sáng tạo ra, là đặt mình ngang hàng với người sáng tạo (!). Đây là tư tưởng tự ti. Thực tiễn người sáng tác và người phê bình luôn đồng hành với nhau. Người sáng tác văn học, nghệ thuật cần lắm những người phê bình tác phẩm của mình. Có người phê bình giỏi là đã giúp người sáng tác sẽ có tác phẩm sáng tạo mới có chất lượng hơn đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của độc giả.

Ông ta khuyên: Đi theo con đường đã nhiều người đi”. Đây là thói ăn sẵn. Như vậy, luôn là người đi sau. Trong khoa học, nếu không có sự sáng tạo, đi con đường nhiều người đã đi là “cùn”, “đường mòn lối cũ”, không có sự sáng tạo. Như vậy, làm gì có sự phát triển được. Vì chỉ là “ăn mót”, bắt trướ mà thôi. Nhiều loại động vật cũng biết làm thế, huống hồ là loài người – động vật cao cấp. Cứ theo cái lý của ông Chu thì loài người lại quay lại thời sơ khai sao? Ông Chu khuyên: Không đi con đường vừa đi vừa mở”. Nếu vậy, thì không có đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển thời chống Mỹ, cứu nước. Thế thì quân dân miền Nam có nhận được sự tiếp tế của hậu phương miền Bắc không? Điều đó có tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến này không? Trong xã hội cũng vậy, thấy con đường của nước khác đã đi, kế thừa, phát huy cái hay, khắc phục hạn chế, thiếu sót con đường của họ để có con đường mới chẳng phải cần thiết lắm sao?