Jul 17, 2025

Việt Tân lại nói càn

          Tre việt – Ngày 16/7, trên trang facebook Việt Tân có ý kiến phản động cho rằng “Bí thư, Chủ tịch thành phố Hà Nội được Vượng Vin cho ăn bao nhiêu mà ra chỉ thị cấm xe xăng vào nội đô”. Đây là luận điệu sai lệch, nguy hiểm và không có cơ sở. Nó không chỉ làm lệch hướng dư luận về một chính sách vì môi trường và sức khỏe cộng đồng, mà còn gây tổn hại uy tín của chính quyền và doanh nghiệp tư nhân chân chính.

Thứ nhất, VinFast không phải là doanh nghiệp duy nhất sản xuất xe điện tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác cũng đang tham gia thị trường này như TC Motor, Thaco, Toyota, Nissan, Hyundai, Kia, Mitsubishi… Nếu vì ưu ái cho VinFast thì tại sao những doanh nghiệp còn lại cũng hưởng lợi? Đây là lợi ích ngành, không phải lợi ích nhóm.

Thứ hai, khi cấm xe xăng, nảy sinh hàng loạt các vấn đề cần giải quyết để bảo đảm giao thông xanh thay thế, như: tàu điện, xe buýt điện, các phương tiện di chuyển cá nhân bằng điện, hệ sinh thái sử dụng cho xe điện (trạm sạc, dịch vụ pin, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe điện, các điểm đỗ mới), kinh phí hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho người dân,... gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông, tài chính công và cả người dân – vốn là trách nhiệm mà chính quyền phải giải quyết. Nếu chỉ có lợi cho VinFast, thì tại sao lại nhận lấy gánh nặng điều hành một quyết sách đầy rủi ro và gây tranh luận?

Thứ ba, chưa có bất kỳ bằng chứng nào được công bố hoặc điều tra cho thấy lãnh đạo thành phố Hà Nội có quan hệ lợi ích cá nhân với VinGroup. Việc lan truyền thông tin theo kiểu “thuyết âm mưu” như vậy chỉ làm xói mòn niềm tin xã hội, gây chia rẽ và làm mất uy tín của bộ máy nhà nước.

Thứ tư, chính VinGroup cũng đang đầu tư sản xuất xe điện ở nhiều nước khác (như Mỹ, Indonesia), nơi mà chính phủ các nước này không hề chịu ảnh hưởng bởi doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn có chính sách khuyến khích xe điện. Điều đó cho thấy VinFast phát triển nhờ đón đúng xu thế, chứ không nhờ “mua chuộc chính quyền”.

Việc hạn chế xe xăng là xu thế tất yếu toàn cầu, được hoạch định trong các văn bản quy hoạch quốc gia, có sự chuẩn bị về mặt pháp lý và hạ tầng. Chúng ta cần nhận ra rằng: không phải chính quyền làm theo doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thông minh sẽ đi trước đón đầu chính sách đúng đắn của Nhà nước. Đồng thời, việc ra quyết định cấm xe xăng không hề mang tính tùy tiện hay bị chi phối, mà được đặt trong một quá trình hoạch định chính sách có cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn rõ ràng. Thay vì nghi ngờ, quy chụp và lan truyền thông tin vô căn cứ, mỗi người dân nên tiếp cận vấn đề bằng tư duy phản biện có trách nhiệm, dựa trên bằng chứng và hướng đến lợi ích dài hạn của xã hội./.

 

Tổ chức đưa, đón cán bộ đi làm ở trụ sở ủy ban nhân dân mới sau sáp nhập là giải pháp hoàn toàn hợp lý

  Tre Việt - Từ ngày 01/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và bước đầu đã cho thấy tính ưu việt khi chính quyền sát gần Nhân dân hơn, thực hiện chức năng phục vụ Nhân dân tốt hơn, nhanh, gọn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang tăng cường chống phá bằng nhiều luận điệu phản động; trong đó có luận điệu “đưa đón cán bộ đi làm bằng ô tô tại trụ sở ủy ban nhân dân mới sau sáp nhập dẫn đến lãng phí tiền của dân”. Phải khẳng định rằng luận điệu này là vô căn cứ, phiến diện, cần kiên quyết bác bỏ.

Ôtô đưa đoàn cán bộ công chức
đến trụ sở làm việc ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình)

         Trước tiên, chúng ta phải khẳng định rằng việc đưa đón cán bộ đến trụ sở làm việc mới sau sáp nhập nói chung và trụ sở ủy ban nhân dân nói riêng là cách làm hiệu quả của các địa phương và là giải pháp quan trọng, đáp ứng nhiều mặt trong bối cảnh chúng ta chưa thể ngay một lúc có thể bố trí đủ nhà công vụ hay chỗ ở cho cán bộ công chức. Bởi, sau sáp nhập, địa bàn hành chính của tỉnh được mở rộng đáng kể về không gian, tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Nhiều cán bộ, nhất là những người từ các đơn vị hành chính cũ, giờ đây phải di chuyển quãng đường xa hơn để đến trụ sở mới. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, đường sá không thuận tiện cho xe máy cá nhân. Việc cán bộ tự túc di chuyển bằng xe máy hàng ngày sẽ tốn kém về chi phí, tiêu hao sức lực, mất nhiều thời gian di chuyển và tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hay giờ cao điểm. Do vậy, việc sử dụng ô tô công vụ giúp cán bộ đến nơi làm việc đúng giờ, đảm bảo an toàn và sức khỏe, từ đó duy trì tinh thần và hiệu suất công việc. Đây là sự đầu tư để đảm bảo nguồn nhân lực công vụ luôn sẵn sàng và hiệu quả. Bên cạnh, những lợi ích trực tiếp cho cán bộ và hiệu suất công việc, việc sử dụng xe đưa đón còn góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực giao thông và bảo vệ môi trường. Khi một xe đưa đón thay thế hàng chục xe cá nhân, số lượng phương tiện lưu thông trên đường sẽ giảm đáng kể, đặc biệt trong giờ cao điểm. Điều này trực tiếp làm giảm ùn tắc và giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Về mặt môi trường, việc giảm số lượng xe cá nhân đồng nghĩa với việc  góp phần bảo vệ bầu không khí trong lành. 

Hai là, chúng ta cần hiểu rõ bản chất xuyên tạc, phản động của luận điệu “lãng phí tiền của dân”. Luận điệu này là một sự bóp méo sự thật, đánh tráo khái niệm và phủ nhận những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực vậy, luận điệu này cố tình tập trung vào một khía cạnh nhỏ (chi phí vận hành xe) và thổi phồng nó thành “lãng phí” mà bỏ qua những lợi ích to lớn hơn của chủ trương sáp nhập (tinh gọn biên chế, tiết kiệm chi phí vận hành lâu dài,...) và sự cần thiết của việc bố trí phương tiện để duy trì hoạt động hành chính hiệu quả trong bối cảnh mới. Đây là cách nhìn phiến diện, thiếu khách quan. Nó không dựa trên bất kỳ phân tích, đánh giá hiệu quả tổng thể nào về chi phí - lợi ích, mà chỉ dựa vào cảm tính hoặc thông tin phiến diện, không đầy đủ. Bằng cách gán nhãn “lãng phí tiền của dân” một cách vô căn cứ, luận điệu này nhằm mục đích kích động sự bất mãn của người dân, tạo ra hình ảnh tiêu cực về cán bộ, gây mất đoàn kết và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đây là thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng các vấn đề xã hội để chống phá, gây rối, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

  Từ đó có thể khẳng định rằng việc triển khai xe ô tô đưa đón cán bộ đến trụ sở làm việc sau sáp nhập là một giải pháp hiệu quả và thiết thực, giúp ổn định hoạt động hành chính, nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ và đóng góp vào sự vận hành thông suốt của bộ máy mới. Những luận điệu của các thế lực thù địch là vô căn cứ, phiến diện. Chúng ta cần nhận diện rõ bản chất và cảnh giác trước những luận điệu sai trái này./.