Jul 11, 2014

Vẫn cái nhìn định kiến về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

          Tre Việt - Trên VOA tiếng Việt ngày 10-7 có bài viết: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam không cải thiện, thậm chí còn xấu đi”, của Linh Đan. Thú thực nhìn thấy tít bài Tre Việt đã không muốn đọc. Bởi chưa đọc đã biết bài viết viết gì, chẳng có gì mới, toàn là những thứ đã nói nhiều, nhàm lắm rồi. Thế mà chẳng hiểu sao Tre Việt lại lướt qua, làm cho Tre Việt thấy cứ tưng tức với nội dung bài viết mà Linh Đan đề cập. Bởi nó không đúng với tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
          Bài viết của Linh Đan cho rằng: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện mà thậm chí còn đang xấu đi”. Tác giả dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ Nghị Viện Mỹ Ed Royce, vẫn với cái điệp khúc “tù nhân lương tâm”, “tự do ngôn luận”,… Họ ước tính có khoảng 150 đến 200 tù nhân chính trị ở Việt Nam và 63 người trong số đó bị kết án trong năm 2013. Xin thưa, ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật được tòa án xét  xử theo tội danh và họ phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam và quốc tế. Điều 29 của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (năm 1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng,… trong khi thụ hưởng các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam trong các phiên tòa xét xử, những người vi phạm pháp luật đều có các luật sư bào chữa và chính họ cũng tự bào chữa cho hành vi của mình. Nhưng với chứng cứ rõ ràng, họ đều cúi đầu nhận tội và mong muốn tòa án giảm nhẹ hình phạt cho mình. Như thế, sao gọi là vi phạm nhân quyền. Nước nào trên thế giới hiện nay mà chẳng có nhà tù để giam giữ những người vi phạm luật pháp của nước mình. Bởi vậy, không thể lấy con số những người bị giam giữ để chứng minh cho việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Có điều, hãy xem tại sao họ thống kê những người vi phạm trên lĩnh vực thông tin, truyền thông để cho rằng Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, mà không thấy rằng, chính Công ước về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966) được hơn 150 quốc gia tán thành và phê chuẩn hàng loạt các quyền về dân sự, chính trị, như: quyền tự do đi lại, lựa chọn nơi cư trú; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do lập hội; quyền hội họp hòa bình,… đều là các quyền bị hạn chế và sự hạn chế đó do pháp luật quy định. Điều 19, mục 3 của Công ước trên ghi rõ: “Việc thực hiện những  quyền quy định tại mục 2 Điều này (quyền tự do ngôn luận), kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể là đối tượng chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) nhằm tôn trọng quyền hoặc uy tín của người khác; b) nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, dự luật H.R. 4254 về nhân quyền ở Việt Nam đang được bàn thảo ở Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ cũng chịu chung số phận như các dự luật trước đây mà thôi. Bởi dự thảo ấy vẫn giữ cái nhìn định kiến phản ánh không đúng tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

          Nhìn vào nước Mỹ cho thấy chính Mỹ là nước bị chỉ trích vi phạm tự do ngôn luận. Ngày 12-02-2014, Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) đã chỉ trích Mỹ xâm phạm tự do báo chí. Báo cáo thường niên của Tổ chức này đã chỉ đích danh Mỹ là “một trong những quốc gia bị tụt lùi nghiêm trọng trong việc tôn trọng tự do báo chí” trong năm 2013. Theo báo cáo, “các quốc gia luôn tự hào về nền dân chủ và tôn trọng tự do báo chí đã không còn là một ví dụ điển hình cho việc này” - ám chỉ đến Mỹ - và đánh tụt thứ hạng của Mỹ từ 13 xuống vị trí thứ 46 trong danh sách các quốc gia tự do báo chí. Rộng ra cho thấy, Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và chưa trở thành thành viên của Công ước về quyền trẻ em. Và nữa, Mỹ đã bị Liên hợp quốc bỏ phiếu loại ra khỏi Ủy ban Nhân quyền quốc tế (tháng 5-2001), nơi mà Mỹ là thành viên từ năm 1948, do vi phạm của nước này xung quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền. Còn Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ (2014 - 2016) với số phiếu cao nhất. Ấy thế mà mấy dân biểu Hoa Kỳ lại cứ bận tâm về tình hình nhân quyền của nước khác. Xin “cảm ơn” sự quan tâm này, nhưng mong các ngài hãy vì quyền con người của người dân Hoa Kỳ trước đã, đừng có mà “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” chẳng hay ho gì đâu./.