Nov 5, 2013

Từ lệch lạc trong khoa học đến cực đoan về chính trị

                                             
Tre Việt - Thời gian gần đây, dư luận xã hội phản ứng khá gay gắt về một bản Luận văn Thạc sĩ thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, được bảo vệ thành công năm 2010. Câu hỏi đặt ra là tại sao một luận văn đã bảo vệ thành công mà lại khiến dư luận dậy sóng như vậy?
Luận văn Thạc sĩ (LVTS) “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” (gọi tắt là Vị trí của kẻ bên lề ) tồn tại với tính cách một công trình khoa học được chấm điểm xuất sắc (10/10). Tuy nhiên, người mơ hồ nhất cũng sẽ không khỏi hoài nghi về giá trị khoa học thực sự của công trình này khi nó đi vào nghiên cứu một nhóm thơ mà“sự nổi loạn, cách tân đã thất bại, đã bị cuộc sống chối bỏ và trên thực tế đã gần như cáo chung”, cùng với đó là những tiêu chí cơ bản nhất cần sự xác tín khoa học trong công trình này lại đều “có vấn đề”.
1. Từ lệch lạc về khoa học
Dễ dàng nhận thấy là, ở góc độ khoa học, LVTS này đã phạm sai lầm lớn khi chọn “Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng” làm đối tượng nghiên cứu. Hãy cùng lắng nghe dư luận về Mở Miệng: Phần đông bạn đọc bức xúc, phản đối vì không thể chịu đựng được khi va chạm với một mớ ngồn ngộn những từ ngữ tục tĩu, bệnh hoạn, nổi loạn, phản động, “không thể phản văn hóa hơn”, không “thơ” chút nào trong cái được gọi là thơ của nhóm này. Không ít nhà nghiên cứu cho rằng đây là “thứ rác rưởi được gọi là thơ”, là “làn gió thối”, “nhánh kênh đen” cần phải đào thải. Ngay trong LVTS này cũng viết về Mở Miệng là “Lạ, Phá Phách, phá hỏng tiếng Việt, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền”; Thậm chí, chủ nhân của Mở Miệng (Khúc Duy, Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Quán) cũng gọi thơ mình là “thơ dơ”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”… Lực lượng duy nhất nhiệt thành thổi phồng, ngoa ngôn ca tụng nhóm này là dăm ba trang mạng ở hải ngoại (trong đó có những trang chống cộng nổi tiếng) và một hai nhà nghiên cứu “đồng chí hướng”(?!)… Sự thực là, với một đối tượng “đặc biệt” như Mở Miệng, nội dung của LVTS này đã không đem đến giá trị khoa học gì đáng kể để cống hiến cho lý luận, thực tiễn và nền học thuật của nước nhà ngoài việc “nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ “thơ” rác rưởi. Thế mà không biết vì mục đích gì, tác giả luận văn lại chọn lựa đối tượng này để nghiên cứu?
Tiếp đến là sự nhập nhằng, thiếu minh bạch trong mục đích và phương pháp nghiên cứu. Ở đây có sự mâu thuẫn, bất nhất giữa đề tài luận văn (Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa) với nội dung được khẳng định nhiều lần:Tính khách quan của nghiên cứu không được đề cao… Nỗ lực của tôi là nỗ lực của kẻ quan sát và tái hiện, dưới góc nhìn cá nhân”. Làm sao lại có thể đánh đồng “góc nhìn văn hóa” với “góc nhìn cá nhân” khi một bên đại diện cho “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng”5 còn bên kia chỉ là đại diện cho cái tôi của một con người cụ thể đầy cảm tính, chủ quan và không ít cực đoan, phiến diện, khiếm khuyết? Nhập nhằng, thiếu minh bạch giữa sự minh triết của góc nhìn văn hóa với góc nhìn của “những kẻ bên lề” trong luận văn khiến cho ranh giới của “trung tâm” và “bên lề”, văn hóa và phản văn hóa, chuẩn mực và thiếu chuẩn mực, giá trị và phản giá trị, chính thống và phi chính thống… cơ hồ vì thế mà lung lay và có nguy cơ bị đảo lộn. Rõ ràng là có một sự “chuyển hóa” từ mục đích nghiên cứu ban đầu (văn hóa, văn học) sang một mục đích, một mưu toan khác (chính trị)! Chuyển hóa về mục đích nghiên cứu, triển khai “góc nhìn cá nhân”, tự nguyện “đứng về phía cái bên lề” đồng nghĩa với việc tác giả luận văn tự tước đoạt vị thế, tư cách khoa học của mình. Do đó, dẫn đến những lệch lạc về nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài này.
Lệch lạc lớn nhất về nội dung và kết quả nghiên cứu trong LVTS này là những đánh giá đầy phiến diện, thiếu khách quan về Mở Miệng và nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam. Điều này phản ánh sự lệch chuẩn trong nghiên cứu khoa học. Trước hết, về Mở Miệng, với mục đích lôi “những rác thải được gọi là thơ” của Mở Miệng lên hàng “số một”, giúp nhóm thơ này có thể “soán ngôi trung tâm”, thành “trung tâm” của thơ Việt đương đại, những kết luận vội vàng, thái quá đã được đưa ra: “Lẽ ra Mở Miệng có thể thành một cú hích để xới lật nhiều vấn đề về thơ đương đại cả lý thuyết lẫn thực hành…”; “…sự có mặt của Mở Miệng không phải như một bột phát, mà một tất yếu, không phải như những anh hùng riêng lẻ, mà như những người tiên phong của một tập hợp”... Nhiều từ ngữ tục tĩu, thô bỉ, với người bình thường thì chỉ cần đọc thầm đã thấy ngượng ngùng, vậy mà luận văn trích dẫn đường hoàng chẳng chút e dè để rồi tán tụng rằng“Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ ‘thi phẩm’) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng lẫn cảm xúc”, thán phục rằng“Hiếm có bài thơ nào sử dụng những chữ vốn bị cho là cấm kị tài tình và hấp dẫn đến thế, thẳng băng, ngang hàng, không kêu gọi đòi lật đổ, mà bản thân nó đầy sức mạnh lật đổ”, … Bên cạnh đó, luận văn còn sử dụng một cách tùy tiện, nực cười hàng loạt những m từ như “một huyền thoại”, “kẻ dọn đường cho tương lai”, “kẻ mở đường cho sự dựng xây mới”, “những người cách mạng”, “những người tiên phong của một tập hợp” nhằm tung hô cho “nhánh kênh đen” của thơ Việt. Trái khoáy là đánh giá về Mở Miệng thì như vậy nhưng trước những giá trị sáng tạo thuộc các hiện tượng văn học, văn hóa khác thì đánh giá của luận văn lại thiếu khách quan trong sự “nỗ lực” phủ nhận khi cho rằng “xơ cứng và bảo thủ”, “già cỗi, mòn sáo và chuyên chế”, thậm chí cả một nền văn chương Việt Nam đương đại với không ít cách tân, đổi mới, cống hiến lại bị ví như “cái ao tù đặc sệt”; Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) lại được luận văn này gán như “hình ảnh bảo thủ của một ý thức hệ lỗi thời và sự hèn nhát của một lớp nhà văn bại trận”; “chức danh trong Hội nhà văn mang tính chất hữu danh vô thực nhiều hơn”; “Nói riêng trong thơ Việt, nước thơ này đã tạo ra vô bờ bến các tác phẩm thơ tầm thường được cấp phép hàng năm”… Đây là minh chứng xác đáng nhất về sự mâu thuẫn đầy thiên kiến trong tư duy khoa học của luận văn. Một mặt, luận văn đòi “đa nguyên văn hóa”, “đa âm văn học”, “tự do cho từ ngữ”, bình đẳng giữa “trung tâm – ngoại vi”; mặt khác, để giúp Mở Miệng có thể “soán ngôi, chiếm chỗ trung tâm” (ít nhất là trong Vị trí của kẻ bên lề), những đánh giá của luận văn đã biểu thị sự phi khoa học khi vô cớ dẫm đạp, chế giễu, mỉa mai các giá trị sáng tạo, những cống hiến đã được thời gian, công chúng ghi nhận của không ít thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Những biểu hiện đó vĩnh viễn không bao giờ là phẩm chất đích thực của khoa học và cũng vĩnh viễn không thể là phương cách đúng để dẫn dắt tác giả đến được với chân lý của những giá trị, nhất là những giá trị văn hóa, khoa học cho con người và cuộc đời.
2. Đến sự cực đoan về chính trị
Sau khi hoàn thành việc bảo vệ, Vị trí của kẻ bên lề còn được “tái chế” để đăng đàn trên một trang web ở hải ngoại với hình thức 5 tiểu luận thuộc dự án “Những tiếng nói ngầm” (hoàn thành năm 2012, bút danh Nhã Thuyên) và được một số cây bút phản động nổi tiếng cổ vũ nhiệt liệt. Điều đó hé mở phần nào câu trả lời cho những nghi vấn về việc có hay không một mưu toan mang tính cơ hội cá nhân núp dưới danh nghĩa khoa học? Điều này càng hiển hiện rõ ràng hơn khi một LVTS thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam mà lại dung chứa không ít những phát ngôn thiếu căn cứ, quy chụp, bôi nhọ, xuyên tạc về chính trị, tập trung chính vào tuyên truyền, đả phá, kêu gọi đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tạo. Hầu như trang nào trong LVTS này cũng đề cập đến bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do dân chủ ở Việt Nam với những câu chữ được buông xả cùng thái độ hằn học: “Cơn hưng phấn của thời Đổi Mới nhanh chóng biến thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt chặt lại của chính sách, với Đại hội Đảng VII năm 1991” và những mỉa mai đầy ngạo mạn “Chiếc bánh vẽ của Nhà nước về đổi mới và tự do bị hoài nghi”. Đáng nói là, luận văn còn quy kết một cách đầy cực đoan, cảm tính khi cho rằng nguyên nhân dẫn đến mất tự do trong nghệ thuật là bởi “chính quyền vẫn đòi hỏi nghệ thuật phải thống nhất bởi ý thức hệ đơn nhất là chủ nghĩa Mác”; Khi một nhà thơ tài năng đã bị đẩy đến chỗ phải tự quyết định bên lề hóa chính mình, có thể coi đó là dấu hiệu của ‘thời loạn’…”. Với lời lẽ như vậy, cái gọi là công trình khoa học này đã cố tình “đổi màu” từ chính luận sang tà luận một cách sống sượng, khiên cưỡng. Cần nói rõ là Đảng Cộng sản Việt Nam không tạo ra bất k “vùng cấm” (chữ dùng trong luận văn) nào trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn chương, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã khẳng định đường lối của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ là:“Bảo đảm tự do sáng tác”, “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách…”. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng văn hóa, văn nghệ cũng có quy định, lề lối và giới hạn của nó, nghĩa là mọi sáng tạo phải trên cơ sở “Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái xấu, cái ác”, bên cạnh đó, người nghệ sĩ cũng phải “nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội” và kiên quyết “Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”4. Hãy nhìn vào lịch sử để hiểu rằng, tại sao chúng ta kiên định đi theo ánh sáng soi đường chỉ lối của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam mà không phải một sự đa nguyên về ý thức hệ nào khác! Nếu không đứng vững trên đôi chân lịch sử và thực tiễn, không nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội trong ngòi bút và quá trình nghiên cứu đề tài thì kết quả thu được cũng chỉ là những “tà văn” phi khoa học, là minh chứng cho những nhận thức lệch lạc, méo mó, vô trách nhiệm của một công dân, một trí thức chối bỏ lịch sử, chà đạp lên thành quả của cách mạng và sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây  dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, bản luận văn đã xúc phạm nghiêm trọng đến hình ảnh nhà giáo và truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp trồng người của một trường sư phạm danh tiếng trên phạm vi cả nước. Sẽ thật khó mà lường hết những hệ lụy mà Vị trí của kẻ bên lề đã và đang ảnh hưởng đến những người tiếp cận trực tiếp với nó như một tài liệu tham khảo chính thống trên thư viện nhà trường. Song, những hệ lụy hiển nhiên trước mắt mà chúng ta có thể thấy chính là: Thứ nhất, làm méo mó nhận thức của những người trẻ (còn ít trải nghiệm, thiếu bản lĩnh) về thực tế chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước hiện nay trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thứ hai, gây hoang mang trong nhận thức của thế hệ trẻ về những chuẩn mực giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ của sáng tạo nghệ thuật (thế nào là đúng/sai, đẹp/xấu, nhân văn/ phản nhân văn…); Thứ ba, đem đến cho họ khuôn mẫu của một công trình khoa học (đạt xuất sắc) nhưng lại đầy sai lầm, lệch lạc, v.v.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là: sự lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một cá thể là điều dễ nhận diện nhưng còn trách nhiệm của một Hội đồng chấm LVTS? Cách ứng xử của những nhà quản lý trước vấn đề được dư luận quan tâm sẽ ra sao? Làm thế nào để hình ảnh của nhà trường sư phạm và ngành giáo dục được bảo vệ? Những tư tưởng “tự diễn biến” đội lốt văn chương có bị phê bình, lên án trên cả phương diện khoa học và quản lý?, v.v.
Sự thực thì văn chương là một câu chuyện dài. Giá trị, cống hiến của một tác phẩm, một cái tên không nằm ở sự xưng tụng của bất cứ cá nhân nào mà sẽ được khẳng định bằng sức sống của mỗi tác phẩm trong lòng công chúng. Chỉ mong sao những ai đang đứng ở vị trí của nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học, nhà tư tưởng hãy cùng suy nghĩ về lời nhắc nhở của Lỗ Tấn: “Một người thầy thuốc kê đơn bậy chỉ giết chết có một người, làm một viên tướng điều binh khiển tướng bậy chỉ nướng hết một đạo quân, còn làm một nhà văn viết bậy sẽ di hại tới hai, ba thế hệ” để trên cơ sở đó, có trách nhiệm hơn với ngòi bút của mình, phấn đấu viết lên những tác phẩm văn học, nghệ thuật, những công trình thuộc khoa học xã hội và nhân văn “đáp ứng nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”, góp sức xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới.

Dừa ơi

Lê Anh Xuân

Tre Việt Nam

Nguyễn Duy