Dec 28, 2021

Việc làm cần thiết, có gì mà Việt Tân xuyên tạc

           Tre Việt - Ngày 21/12, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Lợi dụng việc này, ngày 28/12, trang facebook Việt Tân đăng bài: “Vì sao Nhà nước Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị 34 đưa nhân quyền vào chương trình giáo dục”. Trong bài viết, họ xuyên tạc rằng: “Chỉ thị này nằm trong một loạt các hoạt động của chính phủ tuyên truyền cho cái gọi là “nhân quyền” theo cách hiểu của họ nhằm chống lại, phản ứng lại, những lời chỉ trích gay gắt và liên tục của các chính phủ dân chủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế về chiến dịch đàn áp khốc liệt những tiếng nói bất đồng ở trong nước”.

Chúng ta thấy rằng, trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg, ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi là Đề án), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả bước đầu triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, cũng như các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức triển khai Đề án còn có hạn chế, như: việc biên soạn tài liệu, giáo trình về quyền con người còn chậm; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên chưa thật đáp ứng yêu cầu đặt ra; chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người chưa cao; việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giáo dục quyền con người còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số mục tiêu đặt ra của Đề án chưa đạt được, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai Đề án.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án và cơ quan quản lý giáo dục các cấp nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa thật sự sâu sắc, chưa làm hết trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án chưa được đầy đủ, v.v.

Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.

Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Việc Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là việc làm hết sức cần thiết, có gì mà Việt Tân lại xuyên tạc./.