Jun 6, 2021

Phản biện hay khoe mẽ?

          Tre Việt – Trang facebook Tiếng Dân News, ngày 05/6 đăng bài của Nguyễn Đình Cống: “Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần cuối)”, VI- Về Chủ nghĩa Mác-Lênin sau đó có VII - Vài lời phân tích. Bài viết nói là “phản biện” nhưng người đọc cảm nhận như ông Cống đang thể hiện mình học rộng, hiểu biết nhiều. Có đúng Ông học rộng, hiểu biết nhiều hay chỉ là một sự khoe mẽ?

Bài viết của ông Cống nhắc lại nội dung cơ bản bài viết của GS Nguyễn Phú Trọng[1]: “Bài báo khẳng định, ĐCSVN kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML) vì nó là học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, vì tính khoa học và cách mạng triệt để của CNML, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững. Bài báo cũng bác bỏ việc một số người quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XNCN Đông Âu là do sai lầm của CNML”. Ông Cống viết tiếp: “CNML được xem là học thuyết cách mạng của vô sản. Xin chưa thảo luận mức độ đúng sai của nó. Còn nó có phải là học thuyết khoa học không thì cần bàn”. Vậy nên, Ông viết: “Tôi chỉ xin góp một tiếng nói phân tích CNML về mặt khoa học.

Marx và Engels đã khảo sát nền sản xuất và xã hội của một số nước tư bản ở thế kỷ 19 rồi xây dựng nên học thuyết dựa trên một số tiên đề và phép biện chứng. Xin kể ra một số tiên đề, thực chất là các giả thiết nghiên cứu mà có khi có người còn nâng lên thành quy luật, là những luận cứ, được xem là những hòn đá tảng của Chủ nghĩa Mác. Đó là:

1- Vật chất có trước và quyết định ý thức.

2- Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

3- Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người.

4- Tư bản bóc lột công nhân bằng “Giá trị thặng dư”.

5- Thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

6- Nguyên nhân nghèo khổ của giai cấp vô sản là không có tư liệu sản xuất.

7- Giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến”.

Ông Cống khoe: “Tôi cũng đã viết một số bài về “Chất đất sét của đá tảng mác xít” bác bỏ các luận cứ khoa học trên của chủ nghĩa Mác – Lênin. Về vấn đề này, xin thưa, có được chủ nghĩa Mác – Lênin là các nhà sáng lập đã biết “đứng trên vai của những người khổng lồ”. Nghĩa là các ông kế thừa và phát triển những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại, trên cơ sở thực tiễn của thời đại: Triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị cổ điển Anh và Chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp để có được khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người. Đồng thời là thế giới quan và phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng. Với nước ta, trong thời đại ngày nay, chưa ai đi nhiều, hiểu biết nhiều, có khả năng, tố chất như Hồ Chí Minh, mà Người đã khẳng định: Ngày nay, chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin. Không biết ông Cống đã đi được bao nhiêu nước để tìm hiểu về lý luận Mác – Lênin (không tính đi vì mục đích khác: tham quan, du lịch, học tập nhưng không phải về chủ nghĩa Mác - Lênin), Ông thông thạo bao nhiêu ngoại ngữ mà khẳng định tính không khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin?

Ông Cống viết: “Đọc Bài viết của GS, tôi phát hiện thấy một số lỗi như đã trình bày. Ngoài ra theo dõi nhiều bài phát biểu khác của ông, tôi tán thành với nhận định rằng, ông thuộc loại người bảo thủ. Để lý giải hiện tượng Nguyễn Phú Trọng bảo thủ, không thể dùng những kiến thức và phương pháp của khoa học tâm lý thông thường, mà phải dùng đến những hiểu biết về siêu hình học, về Tiên thiên và Hậu thiên, về Ý thức và Tiềm thức cùng sức mạnh vô hình của nó, về Mạt na thức và A lại da thức (thuộc Nhận thức luận của Phật giáo), về cấu tạo và hoạt động của các tầng hào quang và luân xa, về hạt giống tinh thần”.

Xin thưa, những thứ mà ông Cống nêu, thực ra trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, nên Người nhận xét: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Do đó, Người nói: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[2]. Vì thế, Hồ Chí Minh tin tưởng và đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin, vì bản chất khoa học và cách mạng của nó. Giờ đây, ông Cống nhắc đến những thứ mà Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lâu rồi, không hẳn Ông không biết điều đó, mà có lẽ để khoe mẽ, mình là người nghiên cứu nhiều. Nhưng có tìm hiểu, nghiên cứu thì trước những khối lượng kiến thức khổng lồ, Ông trở thành “chim chích vào rừng” nên thấy điều gì cũng phải, không có khả năng phản biện vì Ông “biết” nhiều nhưng lại không đến nơi đến chốn, do tố chất bẩm sinh, lại kinh viện nữa (ngồi một chỗ nghiên cứu, thiếu thực tiễn).

Nguyễn Đình Cống võ đoán khi cho rằng: “Cậu (GS Nguyễn Phú Trọng) có bán cầu não phải phát triển tốt, còn vùng phản biện ở bán cầu não trái có ít nơ ron, làm sự phát triển hơi bị chậm”. Chỉ từ kết luận hàm hồ: GS Nguyễn Phú Trọng thuộc loại người “bảo thủ” mà ông Cống có nhận xét võ đoán trên. Muốn biết cấu tạo cơ thể của một người như thế nào thì khoa học của ngành Y phải nghiên cứu. Không nghiên cứu cấu tạo gì mà đưa ra kết luận bừa. Cứ cái kiểu võ đoán của ông Cống thì ngành Y chắc “thất nghiệp” mất. Thật chán cho GS bê tông Nguyễn Đình Cống, Giám đốc của cái gọi là “Minh triết Việt Nam”!./.



[1] - Tre Việt hiểu, ông Cống không đề Tổng Bí thư mà đề GS Nguyễn Phú Trọng với hàm ý trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học. Tre Việt trân trọng điều đó.

[2] - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152.