Jun 19, 2021

Luận điệu xuyên tạc không lừa được ai

 

Tre Việt - Cách đây ít giờ, trong bài viết có tựa đề “Gian trá, lươn lẹo với dân” của Đỗ Ngà, được đăng tải trên trang facebook Việt Tân nhằm công kích, xuyên tạc ý nghĩa của Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, khi cho rằng: “Lập quỹ vaccine và hứa chích miễn phí cho dân, mục đích là để vét tiền của con nít lẫn người già. Tuy nhiên khi vét tiền xong họ không mua vaccine mà gởi ngân hàng kiếm lời và bắt dân đợi “nhà nước kiếm lời xong” mới mua vaccine” (!). 

Rõ ràng, Đỗ Ngà muốn thổi phồng câu chuyện vaccine để gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận, kích động tâm lý nghi ngờ trong cộng đồng, tìm cách phủ nhận thành công của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch, làm giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cần khẳng định rằng, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, cùng với thực hiện nghiêm thông điệp 5K, thì vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được miễn dịch cộng đồng, miễn dịch toàn dân vào cuối năm 2021, Việt Nam cần có hơn 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng hơn 75 triệu người dân với tổng kinh phí ước tính khoảng hơn 25 nghìn tỉ đồng. Đó là nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đất nước ta đang còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, việc thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa kinh phí mua và tiêm vaccine phòng Covid-19, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đóng góp kinh phí nhằm giảm áp lực ngân sách Nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, huy động nguồn lực xã hội để người dân có thể tiếp cận vaccine sớm nhất. Nhưng cũng cần nhận thức rằng, việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 không phải là vì chúng ta thiếu tiền và càng không phải là sự ép buộc, mà chính là ý Đảng, lòng dân, là sự quy tụ không chỉ nguồn lực vật chất mà còn cả nguồn lực tinh thần. Thông qua đóng góp, ủng hộ Quỹ, tạo nên một phong trào hành động nhân văn sôi nổi và rộng khắp, thành làn sóng mạnh mẽ đẩy lùi dịch bệnh.

Cập nhật số tiền ủng hộ Quỹ vaccine
(tính đến 17h00, ngày 19/6/2021)

Thực tế những ngày qua, kể từ khi Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ ký thành lập, không chỉ các doanh nghiệp, địa phương mà rất nhiều cá nhân trên mọi miền của Tổ quốc đều nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đoàn kết chống lại đại dịch Covid-19 của nhân dân Việt Nam.

Việc sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ vaccine để “gởi ngân hàng kiếm lời và bắt dân đợi “nhà nước kiếm lời xong” mới mua vaccine”, mà Đỗ Ngà xuyên tạc, Tre Việt xin thông tin: Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Thông tư số 41/2021/TT-BTC, ngày 02/6/2021 của Bộ Tài Chính quy định: vốn nhàn rỗi của Quỹ vaccine Covid-19 sẽ được gửi tại các ngân hàng thương mại để lấy lãi, phát triển vốn. Kho bạc Nhà nước đã tiến hành đấu thầu, lựa chọn ngân hàng thương mại có lãi suất cạnh tranh để gửi tiền. Trong những trường hợp Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 có khoản tiền nhàn rỗi, chưa có kế hoạch sử dụng để phòng, chống Covid-19 hay mua vaccine, thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét gửi các ngân hàng thương mại để lấy lãi. Số tiền lãi thu được từ việc gửi tiết kiệm này sẽ được cộng lũy kế vào chính nguồn quỹ. Khoản tiền này sẽ không rơi vào túi của bất cứ cá nhân nào, mà được phục vụ chung cho cả cộng đồng với nguyên tắc công khai, minh bạch hóa.

Việc công khai Quỹ (số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại) được thông báo hàng tháng, 6 tháng, năm; số lượng tiền, số lượng các tổ chức, cá nhân ủng hộ vào quỹ được cập nhật vào lúc 11h00 và 17h00 hằng ngày trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, website của Kho bạc Nhà nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với chức năng quản lý tài chính, Bộ Tài chính quy định nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ sẽ gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước lựa chọn, kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Việc lựa chọn kỳ hạn gửi do Ban Quản lý quỹ căn cứ kế hoạch chi của Bộ Y tế, khả năng nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ và tình hình thị trường. Sau khoảng thời gian định kỳ, Bộ Tài chính sẽ thống kê lại tổng nguồn tiền của Quỹ tại thời điểm đó gồm: Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (tiền, vaccine và các loại hình vật chất khác); lãi tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

Việc đem nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 để gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh việc phát triển nguồn tiền của Quỹ. Cùng với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 sẽ ngày càng bảo đảm hơn, đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao hơn; điều đó là hoàn toàn đúng đắn, có lợi cho dân, cho nước. Do vậy, những luận điệu sai trái, xuyên tạc về việc thành lập, vận động ủng hộ và sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của một số trang mạng xã hội và các tổ chức chống phá không lừa được ai./.

Chỉ nói quàng nói xiên


Tre Việt – Trang Facebook Việt Tân đang ghim bài viết “Đảng và Nhà nước không muốn lo” của Ngô Đồng, từ ngày 14/6. Bài viết cho rằng, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng, Nhà nước ta không lo cho dân, cho doanh nghiệp. Cần khẳng định ngay rằng, đây là những thông tin không chính xác, không có cơ sở, nói quàng nói xiên, gây hoang mang, chia rẽ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong việc phòng, chống dịch.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát và xâm nhập vào Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chính vì thế, chúng ta đã khống chế, dập dịch có hiệu quả các làn sóng Covid-19 bùng phát, kết hợp với thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch. Điều này đã mang lại kết quả tích cực, được cả thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương (2,91%). “Đảng và Nhà nước không muốn lo” mà lại có kết quả như thế sao?

Hiện nay, nước ta đang phải đối mặt, khống chế làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 do những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm. Cùng với đẩy mạnh các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội, khoanh vùng, khống chế dập dịch, Đảng, Nhà nước ta đang đẩy nhanh việc nhập khẩu, mua vaccine từ các nước; đồng thời, đẩy nhanh việc thử nghiệm, đưa vào sản xuất vaccine ở trong nước để tiến hành tiêm phòng trên diện rộng cho nhân dân.

Như vậy, Ngô Đồng cho rằng “Đảng và Nhà nước không muốn lo” là không cơ sở, cố tình phủ nhận thành quả và những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong phòng, chống dịch Covid-19 mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện.

Ngô Đồng cũng cho rằng: “Đến nay, nhiều cam kết hỗ trợ nhân dân chống dịch của Nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ ở mức lời hứa. Đơn cử như gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 62.000 tỷ đưa ra từ năm ngoái hiện vẫn trên giấy,…”. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, sản xuất bị đình trệ; nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động tự do bị mất việc làm,… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người dân, như: yêu cầu các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp; ngành điện hỗ trợ giảm tiền tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, v.v. Đến nay, gói hỗ trợ này đã giải ngân được 22%, tuy tốc độ có chậm, nhưng đa số là chi trực tiếp hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh. Đối với những bất cập, làm cho tốc độ giải ngân chậm, đến nay chưa giải ngân hết gói hỗ trợ 62.000 tỷ sẽ được điều chỉnh để thời gian tới có tốc độ giải ngân nhanh hơn, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp./.