Oct 23, 2020

“Thừa nước đục thả câu”

Tre Việt - Những ngày này, cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực để làm giảm bớt đi phần nào những thiệt hại, khó khăn, thiếu thốn cho đồng bào sau cơn đại hồng thủy. Cả hệ thống chính trị và toàn dân đã chung tay vào cuộc, huy động mọi nguồn lực, từ tiền bạc, hàng hóa, lương thực thực phẩm, rồi bỏ công, bỏ sức để gói bánh, nấu xôi, nấu cơm,… rồi lặn lội không quản đường xá xa xôi, nguy hiểm để vận chuyển, mang vào tận nơi trao tặng, hỗ trợ, giúp đỡ cho đồng bào mình. Có biết bao tổ chức, cá nhân tùy theo khả năng, sở trường, sức lực của mình đã, đang hăng hái, ra sức hành động với cái tâm lương thiện hướng về đồng bào mình nơi rốn lũ. Đã có những cán bộ, chiến sĩ và người dân xả thân đi cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ mà hy sinh, bị nạn như ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị) hay mới đây thôi là một bác tài xế ở Hưng Yên lái xe trên đường chở hàng hóa vào cứu trợ đồng bào miền Trung đã không may bị tai nạn dọc đường phải đi cấp cứu, v.v. Những hành động, việc làm cao đẹp đó thật đáng trân trọng và tự hào, đã toát lên tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “yêu nước, thương nòi”, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn của dân tộc Việt Nam.
         Nhưng tiếc thay, trong hoàn cảnh đau thương, hoạn nạn đó, lại có những hành động táng tận lương tâm. “Họ thừa nước đục thả câu”. Đó là một số lãnh đạo ở cơ sở của tỉnh nọ đã coi hàng cứu trợ như món quà để chia chác, ban phát cho nhau; có người đóng vai là người tử tế, đứng ra nhận dẫn dắt, hướng dẫn địa điểm các gia đình khó khăn, hoạn nạn nhận tiền cứu trợ, rồi sau đó quay lại đòi ăn chia hàng cứu trợ của những gia đình này; có kẻ lại liên lạc với thân nhân của cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn rồi lừa dối là sẽ ủng hộ vật chất và yêu cầu chia sẻ đường link, địa chỉ facebook cá nhân rồi chiếm đoạt cả trăm triệu đồng tiền ủng hộ; thậm chí có kẻ lại giả danh là thân nhân của cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, lập các trang mạng xã hội đứng ra kêu gọi mọi người hỗ trợ, ủng hộ, v.v. Những hành động đó vốn đã xấu, nhưng trong lúc hoạn nạn thì đã trở nên bất lương, vô lương tâm, không thể chấp nhận được, cần phải bị vạch trần, lên án.
          Thiết nghĩ, các lực lượng chức năng cần sớm vào cuộc tìm hiểu, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra hành động  “Thừa nước đục thả câu”./.

Loài ma mới trên đảo Phú Lâm

          Tre Việt - Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có diện tích khoảng 2 km2, được nhân dân ta và các triều đại phong kiến Việt Nam phát hiện, khai thác, bảo tồn từ nhiều thế kỷ trước. Tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi niên hiệu Minh Mạng 16 (năm 1835), vua Minh Mạng cho xây Hoàng Sa Tự và một số công trình quân sự khác làm dấu ấn chủ quyền quốc gia đối với đảo Phú Lâm nói riêng và quần đảo Hoàng Sa nói chung. Trải qua biến cố lịch sử, đảo Phú Lâm bị “loài ma Phương Bắc” lén lút chiếm đóng từ năm 1974 cho đến nay.

Vừa qua, tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ, công bố, cho biết: từ năm 2012 tới nay, có hơn 400 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc đã đăng ký kinh doanh trên đảo Phú Lâm. Mọi người có thể đặt câu hỏi: một hoàn Đảo nhỏ nhoi như vậy sao có thể “nhốt” được tới 400 doanh nghiệp? Lấy đâu ra đất, nguồn nước, nguyên vật liệu, nhân lực, nhu yếu phẩm thiết yếu,… để cho các doanh nghiệp đó đứng chân và hoạt động? Kỳ thực, chúng chỉ là những “doanh nghiệp ma” trên Đảo; có nghĩa là chỉ có tên mà không có thực thể. Chính phủ Trung Quốc cho phép, hoặc có thể là ép buộc những doanh nghiệp đó đăng ký địa điểm trên Đảo chỉ nhằm nộp thuế cho các “Chính quyền ma” chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa; còn công ty thực của họ đều đóng ở nơi khác, phần lớn nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Nỗ lực ép buộc của Chính phủ Trung Quốc đã đem lại nguồn thuế cho lực lượng chiếm đóng Hoàng Sa mỗi năm khoảng 100 triệu USD từ số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 1,2 tỷ USD. Số tiền thuế đó sẽ được nộp trở lại Chính phủ Trung Quốc chứ trên đảo ngoài “Âm binh Phương Bắc”, làm gì có hoạt động kinh tế nào để mua, bán, tiêu tiền. Tuy nhiên, đây là cách mà Trung Quốc lưu lại dấu ấn hồ sơ, tài liệu về hoạt động kinh tế trên Đảo. Nhờ chính sách này mà các công ty dù hoạt động bên ngoài cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhưng lại đóng vai trò là sự hiện diện về hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Những cái tên “Tam Sa”, “Nam Sa”, “Tây Sa” (quốc tế không công nhận) sẽ được khai trong hồ sơ nhiều công ty, doanh nghiệp để ký hợp đồng, làm ăn trên khắp thế giới. Khi đối tác nước ngoài ký vào hợp đồng kinh tế có nghĩa là Trung Quốc đã “lén lút” bắt các đối tác công nhận những địa danh trên, nhất là những hợp đồng lớn được chính phủ các nước bảo lãnh đầu tư, kinh doanh thì mức công nhận địa danh càng cao.

Trong số “doanh nghiệp ma” đó, nhiều công ty còn hợp tác xây dựng, cung cấp cơ sở hạ tầng, thông tin và kể cả quân sự, an ninh, hàng hải cho “Thành phố Tam Sa”, như: lắp đặt hệ thống 4G và 5G; đặt cáp quang dưới biển, v.v. Những hoạt động “lén lút” của chúng đã không qua mắt được cộng đồng quốc tế. Ngày 26/8/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ bổ sung 24 công ty của Trung Quốc vào một danh sách đen có tên “Danh sách thực thể” vì “vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng công bố các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc khai hoang, xây dựng, quân sự hóa đảo và cưỡng chế chiếm đảo ở Biển Đông.

Những năm gần đây, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố về chủ quyền trên Biển Đông thông qua một “bản đồ đường lưỡi bò” do họ tự bịa ra. Mặc dù bị quốc tế lên án, phản đối gay gắt nhưng Trung Quốc không từ bỏ dã tâm đó, mà tìm mọi cách hợp lý hóa nó bằng phương pháp tuyên truyền, thuyết phục quốc tế thông qua các phương tiện, như: sách, báo, truyền hình, phim, tờ rơi, trò chơi điện tử, phần mềm ứng dụng, tạp chí khoa học, v.v. Và lần này, họ nghĩ ra chiêu mới là cho thành lập các “doanh nghiệp ma” trên đảo Phú Lâm, một nỗ lực phi pháp để hợp lý hóa việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam./.

 

Đoàn kinh tế - quốc phòng có bảo vệ Tổ quốc?

Tre Việt - Trong khi cả nước đang tập trung chi viện cho Miền Trung chống lũ, tìm kiếm cứu nạn; chia sẻ những đau thương, mất mát đối với các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong mưa, lũ, sạt lở đất, nhất là sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ ở xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế và 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 đóng ở Hướng Hóa, Quảng Trị thì một số đối tượng lại cho rằng: “Sư đoàn 337 không có chức năng bảo vệ Tổ quốc… chủ yếu là phá rừng, làm kinh tế”(!). Đây là sự xuyên tạc trắng trợn và nguy hiểm.
Đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng ta là bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đây là phạm trù sâu sắc, là “kim chỉ nam” trong chỉ đạo, thực hiện các hoạt động bảo vệ Tổ quốc trải khắp không gian và thời gian. Để bảo vệ Tổ quốc cần có những đơn vị vũ trang sát biên giới để thiết lập vành đai các hoạt động quân sự, ngăn chặn sự cài cắm, xâm nhập của địch “từ sớm”, tạo thêm thời gian cho các địa phương, đơn vị vũ trang sâu trong nội địa làm công tác chuẩn bị chiến đấu và  tạo điều kiện để các ngành kinh tế chuyển dịch cơ cấu, địa bàn hoạt động chuẩn bị lâu dài cho chiến tranh. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế về quan hệ hòa bình của 2 nước có chung đường biên giới, các hoạt động quân sự diễn ra phải cách đường biên tối thiểu 50 km. Do đó, để xây dựng các tỉnh biên giới thành khu vực phòng thủ vững chắc, nhất là chủ động phòng thủ đường biên, Đảng, Nhà nước chủ trương thành lập các Đoàn kinh tế - quốc phòng. Trong thời bình, theo Thông tư số 297/2017/TT-BQP, ngày 24/11/2017 của Bộ Quốc phòng quy định, các Đoàn kinh tế - quốc phòng có chức năng: tham gia sản xuất xây dựng kinh tế; xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ban đầu để nhân dân ổn định đời sống nơi đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược; làm công tác dân vận, góp phần bảo đảm trật tự, an tàn xã hội,… đồng thời, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống. Theo đó, Đoàn kinh tế - quốc phòng được giao 12 nhiệm vụ, tiêu biểu là: (1) Huấn luyện cán bộ, chiến sĩ trong đoàn và lực lượng dự bị động viên, duy trì công tác sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh biên giới, đấu tranh phòng chống các hiện tượng móc nối, thâm nhập, vượt biên trái phép; (2) Xây dựng và bảo vệ khu vực phòng thủ; (3) Tham gia xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn phụ trách, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; (4) Chủ trì, phối hợp với địa phương tạo nên những yếu tố bước đầu cho phát triển hàng hóa, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ đến người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng,… tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao thu nhập, v.v.
Thực tế, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ các Đoàn kinh tế - quốc phòng không ngại khó khăn, gian khổ bám trụ nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phối hợp, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng kinh tế, quốc phòng thực hiện các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong kinh tế thì giúp nhân dân: xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường trạm; trồng rừng, trồng cây ăn quả, khai thác dược liệu, nông lâm sản; chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; khám chữa bệnh miễn phí,… bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong quốc phòng, là những đơn vị chiến đấu nơi tuyến đầu, tiền tiêu của Tổ quốc. Đó chính là những nhiệm vụ cao cả góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và trên hết là “thế trận lòng dân” vì mục tiêu bám trụ biên giới, xây dựng cột mốc lòng dân bảo vệ biển, đảo, biên giới quốc gia và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rõ ràng là thế, mà họ lại cho rằng, các đoàn kinh tế - quốc phòng chỉ để “phá rừng”, chứ không có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là sao?./.