Jul 14, 2021

Xuất hiện “virus biến thể” nguy hiểm

  

Tre Việt - Sáng 14/7, trang facebook Việt Tân đăng bài: “Mùa Covid, Đảng không cứu dân: đi ở tù mới khỏi bị chết đói?” của Lê Ánh, chính là một trong các “triệu chứng” rõ nét nhất cho loại “virus biến thể” nguy hiểm, nhằm xuyên tạc, phá hoại công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Bài viết cho rằng: “Trước tình hình Covid lây nhiễm tràn lan trong cộng đồng vượt ra ngoài tầm kiểm soát đã làm cho Việt Nam hốt hoảng và vội vã đưa ra những cách phòng chống dịch bệnh hết sức vô lý… Khi người dân bị đẩy vào con đường cùng, không thấy Đảng cứu, chỉ toàn là “hứa”, cho đến giờ này mọi người cũng chỉ có “hóng” trên tivi…Ở trong tù may ra mới không bị chết đói?”(!)

Trước hết cần khẳng định, đây là những luận điệu xuyên tạc, chống phá các biện pháp quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn và dập dịch mà Việt Nam đang thực hiện. Ngoài việc cố tình bôi nhọ, chế giễu quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống dịch; còn kích động người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch bằng những hành động vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để “đục nước, béo cò”.

Như chúng ta đã biết, với biến chủng Delta, tốc độ lây lan nhanh, đã ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, phòng, chống dịch. Những ngày qua, mỗi ngày cả nước ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới, các ca nhiễm chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tính đến 06h00, ngày 14/7, Việt Nam có tổng cộng 33.460 ca ghi nhận trong nước và 1.949 ca nhập cảnh. Hậu quả khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời đưa ra các chiến lược mới, phù hợp, với mục đích “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” nhằm hạn chế mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn,… đã giúp Việt Nam không phải chứng kiến ​​những thảm họa bùng phát và đóng cửa trên diện rộng mà nhiều nước khác đã phải đối mặt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cao; đồng thời, báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ban hành các chính sách hỗ trợ.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Nghị quyết số 68/NQ-CP có nhiều điểm mới so với chính sách cũ và được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Về đối tượng, tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong việc thiết kế điều kiện hỗ trợ, hướng tới việc giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động, v.v. Bên cạnh đó, còn bổ sung nhiều chính sách mới, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh, v.v.

Đánh giá về Nghị quyết số 68/NQ-CP, ông André Gama, Phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nói: “Nghị quyết số 68/NQ-CP là bước đi quan trọng hướng tới việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả của các gói hỗ trợ của Chính phủ tại Việt Nam cụ thể hóa bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính”. Ông cũng cho rằng: người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ở khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư, là “chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết” nhằm giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19 này.

Ấy vậy mà, Việt Tân và các đối tượng chống đối cực đoan như Lê Ánh vẫn cố tình lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta. Những luận điệu xuyên tạc này được xác định là “virus biến thể” nguy hiểm nhất, tác động tiêu cực đến hiệu quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang áp dụng. Mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao ý thức, trách nhiệm công dân trước đại dịch Covid-19. Đó sẽ là liều vaccine đặc trị để chống lại “biến thể virus” nguy hiểm này./.